“Mỏ vàng” chưa được khai thác hết

Mặc dù có vai trò rất lớn để tạo nên thành công và sức thu hút của các tác phẩm điện ảnh nhưng rất ít nhà sản xuất xác định được tầm quan trọng của bối cảnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bộ phim có bối cảnh quay khá “chật chội”, và việc gia tăng giá trị từ bối cảnh quay phim tại Việt Nam theo nhiều phương thức khác nhau vẫn đang như một “mỏ vàng” chưa được khai thác.

Bối cảnh tuyệt đẹp trong phim Chuyện của Pao.
Bối cảnh tuyệt đẹp trong phim Chuyện của Pao.

Thừa tiềm năng, thiếu chính sách

Thực tế đã chứng minh việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả bất ngờ. Nhiều bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam đã gây sửng sốt với khán giả trên thế giới bởi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tuyệt đẹp. Thí dụ, sau khi bộ phim “bom tấn” Kong: Đảo đầu lâu của điện ảnh Hollywood lấy bối cảnh chính tại Việt Nam được trình chiếu, một loạt địa điểm từng là bối cảnh của phim đã trở thành phim trường cho những tác phẩm điện ảnh khác, đồng thời trở thành điểm đến của hàng loạt tour du lịch. Tương tự, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng đã tạo hiệu ứng khiến vùng đất Phú Yên trở thành một điểm đến của nhiều du khách. Bộ phim Chuyện của Pao với những hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu cũng đã trở thành địa chỉ không thể thiếu đối với du khách khi đến Hà Giang… Tiềm năng đa dạng, phong phú về cảnh quan, thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều danh lam, thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, với nhiều lớp tầng không gian văn hóa vùng miền độc đáo khiến Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến của những bộ phim nổi tiếng với những bối cảnh quay phim đặc sắc.

Ông James Cheatley, Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của MPA - Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành này nếu có chính sách quan tâm, đầu tư phù hợp, đặc biệt là công tác quảng bá.

Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh, dù giàu có về tiềm năng nhưng “mỏ vàng” bối cảnh cho các bộ phim điện ảnh vẫn chưa được khai thác triệt để. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thẳng thắn, rất ít phim và rất ít nhà sản xuất xác định được đúng đắn tầm quan trọng của bối cảnh: “Họ thường lược bỏ hoặc tinh giản hết mức có thể số tiền đầu tư cho thiết kế mỹ thuật trong phim, mà chỉ quan tâm đến diễn viên và phần nào đó là phục trang của diễn viên. Hệ lụy là rất nhiều bộ phim đều có bối cảnh khá chật chội, góc máy nghèo nàn, sự di chuyển của diễn viên trong mỗi khuôn hình bị hạn chế”.

Đạo diễn với kinh nghiệm hơn 10 năm làm phim này cũng nêu rõ, bối cảnh không đơn thuần chỉ là một địa điểm để thực hiện cảnh quay mà nó chính là tiền đề để có được những cảnh quay đậm chất điện ảnh với chiều sâu, chiều rộng ấn tượng trong mỗi khung hình. Một cảnh phim có được nhiều lớp cảnh hay không thì phụ thuộc rất lớn vào việc bối cảnh trong đó được xếp đặt như thế nào. Với những bộ phim có sự đặc biệt về thời gian như phim chiến tranh, phim cổ trang hoặc sự đặc biệt về không gian như phim khoa học viễn tưởng, phim fantasy - kỳ ảo,… thì bối cảnh chính là yếu tố quan trọng nhất.

Cần những ý tưởng và phương thức khác biệt

Việc giới thiệu bối cảnh quay phim của Việt Nam đến bạn bè quốc tế mở ra rất nhiều cơ hội cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), vướng mắc liên quan đến việc chọn và phát huy vai trò quan trọng của việc chọn bối cảnh trong các tác phẩm điện ảnh được chỉ ra, nằm ở chính sách hỗ trợ các nhà làm phim, cụ thể là thiếu chính sách khuyến khích riêng cho đoàn làm phim; thiếu thông tin quảng bá đến thế giới; nhân lực thiếu chuyên nghiệp…

Các nhà làm phim cho rằng, hiện công nghệ kỹ xảo ở nước ta đang ngày càng tiếp cận gần hơn với thế giới. Điều này giúp những nhà làm phim có thể thỏa sức tưởng tượng hơn rất nhiều. Và việc tái tạo không gian trong phim không chỉ là công việc của họa sĩ thiết kế mà còn là nhiệm vụ của bộ phận kỹ xảo. Điều quan trọng là việc tính toán chúng ta sẽ quay thật ở những phần nào và quay phông xanh ở những phần nào, sao cho hợp lý nhất cả về hiệu quả hình ảnh và hiệu quả kinh tế.

Ông James Cheatley lưu ý, Việt Nam cần có một đầu mối liên lạc để các nhà làm phim nước ngoài liên hệ. Đầu mối này có thể giúp các đoàn làm phim thực hiện các khâu như xin giấy phép, kết nối với các địa phương… MPA - Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ việc quảng bá thông tin này ra thế giới.

Ở góc độ khác, đề nghị điện ảnh cần chủ động hơn trong việc chọn bối cảnh quay gắn với các địa điểm du lịch, Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, ngành điện ảnh cần có những ý tưởng đột phá trong việc xây dựng các tác phẩm điện ảnh hấp dẫn, kết hợp quảng bá tốt cho du lịch. Mặt khác, các tác phẩm điện ảnh cần có các chiến lược quảng bá cho du lịch theo những cách khác nhau. Những bộ phim sôi động, hiện đại phù hợp với các sản phẩm du lịch thành phố, du lịch biển, du lịch mạo hiểm... Trong khi những bộ phim lãng mạn nhẹ nhàng phù hợp với chiến lược quảng cáo các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.