Làm mới kịch xưa

Nhiều vở kịch từng một thời tung hoành trên sân khấu nước nhà của các tác giả nổi tiếng trong nước và thế giới đã được các nhà hát dàn dựng lại trong thời gian gần đây. Không chỉ giải quyết tình trạng thiếu kịch bản mới, có chất lượng, cách làm này giúp khán giả có cơ hội được tiếp cận lại những tác phẩm sân khấu chất lượng cao, theo một cách tiếp cận khác.
Cảnh trong vở Bạch đàn liễu của cố tác giả Xuân Trình do Đoàn kịch LucTeam dàn dựng.
Cảnh trong vở Bạch đàn liễu của cố tác giả Xuân Trình do Đoàn kịch LucTeam dàn dựng.

Tìm lại hào quang

Là những kịch bản đã được thời gian sàng lọc, sự tái xuất của những vở diễn cũ phần nào tạo thêm sinh khí cho đời sống sân khấu. Một loạt những vở diễn dựng lại kịch bản cũ của các tác giả Việt Nam như Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Xuân Trình… xuất hiện với tần suất cao. Có thể kể tới: Nhà hát (NH) Kịch Việt Nam với Bệnh sĩ của Xuân Trình, Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Đoàn kịch LucTeam của Trần Lực với Quẫn (Lộng Chương), Bạch đàn liễu của Xuân Trình… Đặc biệt, NH Tuổi trẻ cứ vào dịp tháng 8 hằng năm đều trình diễn những vở kịch đặc sắc của tác giả Lưu Quang Vũ để tưởng nhớ, tri ân tác giả tài danh này với nhiều kịch bản hay và đặc sắc của ông như : Sống mãi tuổi 17, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng…

Các đạo diễn cùng ê-kíp sáng tạo và thế hệ nghệ sĩ trẻ đã thổi những luồng gió mới để tác phẩm đến gần hơn với khán giả nhưng vẫn giữ được những giá trị tư tưởng mà nhà viết kịch gửi gắm. Có thể thấy điều này qua vở diễn Lời thề thứ chín nằm trong chuỗi tác phẩm đang được NH Tuổi trẻ biểu diễn và cũng từng lưu diễn trong nước, giành nhiều huy chương, với thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực, nói lên sự bức xúc, trăn trở của người dân về sự bất cập của chính quyền cơ sở, một vấn đề rất thời sự trong thời điểm hiện tại.

Đơn thương độc mã làm sân khấu xã hội hóa ở Hà Nội, nhưng đạo diễn, NSƯT Trần Lực lại chọn dựng những kịch bản như Quẫn của Lộng Chương, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bạch đàn liễu của Xuân Trình. Với tư duy và phương pháp nghệ thuật dàn dựng đương đại, phát huy những ưu thế của sân khấu truyền thống, Trần Lực đã tạo dựng được một phong cách rất riêng, và tạo được những cảm xúc tuyệt vời cho người xem. “Kịch bản Quẫn của bác Lộng Chương chạm tới tính nhân văn, mối quan hệ người thường với xã hội, của cải và con người. Khách nước ngoài xem thấy thích vì cách con người bị đồng tiền chi phối trong vở diễn. Họ bảo giống bên tao lắm, càng kiếm nhiều tiền càng phải lo lắng giữ...”, NSƯT Trần Lực nhớ lại.

Một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ, điều hay của việc dựng lại vở diễn cũ là công chúng có thể chờ mong những điều mới, những bản diễn mang góc nhìn riêng, hiện đại hơn.

Khán giả vẫn mong chờ cái mới…

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng có hai dạng dựng lại vở cũ của sân khấu hiện nay: “Thứ nhất là dạng lười biếng, dựng lại vở cũ cho an toàn. Nhất là đi hội diễn liên hoan sân khấu thì nhiều vở như thế. Dạng thứ hai là làm lại vở cũ, đó là dạng của Bạch đàn liễu. Cái cũ rồi mà khai thác kiểu mới thì mình ủng hộ”.

Nhìn vào mặt bằng chung thì rõ ràng sân khấu hiện nay đang ở tình trạng “đói” kịch bản mới, thế nên các đơn vị nghệ thuật mới tìm dựng lại những kịch bản cũ nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay. Bên cạnh khai thác những kịch bản của các tác giả trong nước thì một số nhà hát như NH Tuổi trẻ, NH Kịch Việt Nam đã kiên trì với mục đích dàn dựng để giới thiệu những tác phẩm hay kinh điển của thế giới với công chúng Việt Nam cũng là điều đáng khích lệ. Đó sẽ là cơ hội giúp các nghệ sĩ bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng được thưởng thức những tác phẩm thật sự có chất lượng. Kịch kinh điển không những kén người dựng, người diễn mà còn kén cả khán giả. Không phải đơn vị nào cũng có thể dựng những tác phẩm kinh điển, bởi nếu không chắc tay, không đầu tư kỹ lưỡng thì tác dụng có thể ngược lại.

Nhìn nhận hiện trạng khan hiếm kịch bản đương đại có chất lượng, đặc biệt là thiếu vắng các tác phẩm đề cập trực diện các vấn đề xã hội…, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, mỗi năm, Hội tổ chức ba trại sáng tác kịch bản sân khấu. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vấn đề tiếp cận với khán giả từ chất lượng kịch bản cho tới phương thức tổ chức biểu diễn, dẫn tới nhiều tác phẩm ra đời nhưng bị lãng phí. Làm mới kịch xưa là một hướng đi đáng khích lệ khi các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biết cách biên tập lại, dàn dựng với tư duy mới để sao cho vở diễn trở lại vẫn thu hút được khán giả. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn nữa và điều chỉnh phương thức đầu tư sao cho hiệu quả, để có được những kịch bản sân khấu mới có chất lượng tốt, phản ánh được hiện thực của đời sống xã hội hiện đại để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.