Không để “mất bò, mới lo làm chuồng”

Trước thực trạng phim lậu hoành hành trên mạng Internet, nhiều nhà sản xuất của các dự án phim đình đám tại Việt Nam cho rằng, không ai khác, nhà làm phim cần phải biết cách để bảo vệ cho “đứa con” của mình, ngay từ khi ý tưởng của dự án phim được hình thành.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết, sau vụ việc phim Cô Ba Sài Gòn, cô đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ tác quyền cho những tác phẩm của mình.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết, sau vụ việc phim Cô Ba Sài Gòn, cô đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ tác quyền cho những tác phẩm của mình.

Vẫn còn dè dặt và e ngại

Phim lậu không còn là vấn đề xa lạ trong thời đại internet. Nhiều bộ phim tại Việt Nam trong thời gian qua cũng luôn phải đối mặt với vấn đề này. Thậm chí, vừa ra rạp đã bị xâm phạm bản quyền một cách không thương tiếc.

Đạo diễn Lương Đình Dũng, nhà sản xuất bộ phim Cha cõng con từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trên thế giới trong năm qua chia sẻ: “Chúng tôi là những nhà sản xuất, tác giả độc lập, nên trước việc bị xâm phạm bản quyền thì việc lên tiếng đôi khi còn dè dặt…”. Đạo diễn Lương Đình Dũng thừa nhận, đôi khi chính các nhà sản xuất còn ngại giải quyết đến tận cùng vì lo sợ phiền phức, sợ bị mang tiếng “chuyện bé xé ra to”. Chưa kể, phải chạy theo để giải quyết, đòi lại công bằng cho những sáng tạo nghệ thuật của mình cũng rất mất thời gian.

Chính đạo diễn Lương Đình Dũng cũng là nạn nhân, khi bộ phim Cha cõng con bị xâm phạm bản quyền ngay lúc vừa ra rạp. Anh nhớ lại: “Có khán giả là một học sinh khi đi xem phim đã quay và tung lên mạng. Tôi thấy cháu còn nhỏ, chưa đủ khả năng có tiền chịu phạt và cũng tránh để ảnh hưởng tâm lý của cháu, tôi đã quyết định không tìm đến cơ quan chức năng mà lặng lẽ giải quyết. Sau đó, tôi cũng yêu cầu quản lý Youtube khóa đoạn phim bị tung lên mạng lại nhằm tránh gây ầm ĩ…”.

Cánh Diều vàng 2017 - Cô Ba Sài Gòn, bộ phim đình đám khiến báo chí tốn nhiều giấy mực cũng từng trở thành tâm điểm dư luận khi vừa ra rạp đã khiến nhà sản xuất phải khóc ròng vì bị livestream trái phép. “Sự kiện Cô Ba Sài Gòn bị quay lén như một giọt nước tràn ly trong thực trạng các nhà làm phim phải đối mặt với vấn đề không tôn trọng bản quyền điện ảnh tại Việt Nam. Vụ việc cũng cho thấy vấn đề nhận thức của một bộ phận giới trẻ khi chuyện tác quyền bị xem nhẹ…”, đạo diễn Ngô Thanh Vân nhìn nhận.

Khác với lựa chọn im lặng của đạo diễn Cha cõng con, nhà sản xuất Cô Ba Sài Gòn đã có cách thức xử lý vụ việc quyết liệt hơn. Kiên quyết đưa vụ việc bị livestream trái phép bộ phim đến cơ quan chức năng, Ngô Thanh Vân cho biết: “Sau dự án Cô Ba Sài Gòn, tôi đã học riêng cho mình một bài học về cách làm việc với các bên liên quan nhằm bảo vệ tác quyền ngay từ khi tác phẩm chưa được công bố. Những động thái “làm chuồng” cho các dự án phim sắp tới đều được tôi và ê-kíp làm phim xử lý triệt để. Bởi một lần suýt “mất bò” là quá đủ cho công sức của mấy trăm con người làm ra Cô Ba Sài Gòn rồi”.

Quyết liệt và triệt để

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, mỗi bộ phim bị xâm phạm bản quyền đều khiến các nhà sản xuất rất đau lòng. Thậm chí, họ còn có thể phải đối diện với nguy cơ phá sản. Cha đẻ của tác phẩm Cha cõng con quả quyết rằng sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ tác quyền cho những dự án phim sắp tới của mình là 578 và Thành phố ngủ gật... Tuy nhiên, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng không quên “mở ngoặc”, trong nhiều trường hợp, điều cần thiết là phải tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm nhiều hơn là vấn đề xử lý.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, nhằm đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức, sự ra đời Nghị định 22/NĐ-CP ngày 23-2-2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan mới đây đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định mới có hiệu lực trong một thời gian ngắn song đã được các nhà làm phim Việt đón nhận và trông chờ như một giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy lùi nạn phim lậu.

“Nhằm bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm của mình, bên có tài sản là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần áp dụng các biện pháp và các quyền mà pháp luật trao cho như các biện pháp công nghệ khi công bố tác phẩm, đưa ra các thông tin quản lý quyền cũng như các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm sao chép…”, bà Nguyễn Hằng Nga nhấn mạnh.

Vì vậy, khi có sự xâm phạm bản quyền xảy ra, giải pháp được lưu ý là sự vào cuộc quyết liệt của chính các chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Việc cung cấp chứng cứ, thông tin tài liệu cho cơ quan chức năng giải quyết vụ việc càng sớm thì khả năng ngăn chặn, xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan càng cao.

“Không có quá nhiều cách để các nhà làm phim Việt hạn chế rủi ro cho phim mình làm ra, tuy nhiên nếu không bắt tay ngay vào việc bảo vệ “đứa con” đó thì thực trạng phim lậu vẫn diễn ra mà thôi. Tôi nhận thấy làm ra một bộ phim đã không dễ, là cả tâm huyết của mình và ê-kíp nên bản thân mình cần phải học, học để bảo vệ thành quả làm ra…”, diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Phim lậu không chỉ gây thiệt hại cho các chủ thể sản xuất phim, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo sức sản xuất, làm nguội nhiệt huyết của những người làm nghề, mà còn làm méo mó các phương thức tiếp nhận các giá trị tinh thần của xã hội. Chính vì vậy, các biện pháp thực thi luật pháp cần được triển khai triệt để nhằm công khai, minh bạch và dần dần hạn chế, đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền.