Gỡ vướng cho nhận thức

Nhiều năm qua, những vụ việc xâm hại, làm biến dạng hoặc "thay hình đổi tướng" đã diễn ra tại không ít di tích mà khi vỡ lở, người ta chỉ có thể "dở khóc dở cười".

Cánh cổng mới lắp nhanh chóng bị hạ giải vào sáng 5-3.
Cánh cổng mới lắp nhanh chóng bị hạ giải vào sáng 5-3.

Câu chuyện "biến hình" ở Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Ðằng (thị trấn Tây Ðằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) mới đây lại một lần nữa cho thấy thực trạng báo động về nhận thức của cộng đồng và chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Không phải lần đầu

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Ðức Bình, trưởng nhóm Ðình làng Việt là người đã phát hiện và đăng tải thông tin về chuyện "nực cười" diễn ra ở Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Ðằng. Bỗng nhiên, di tích đặc biệt quan trọng này bị lắp đặt một bộ cánh cổng sắt hào nhoáng như loại cổng hay sử dụng tại các biệt thự, hoàn toàn không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc. Cảnh quan khu di tích mang nét kiến trúc của thế kỷ 16 này bỗng trở nên "lổn nhổn" với đôi cánh cổng rực rỡ; trên hai trụ cổng lại có thêm hai dàn đèn uốn thành hình hai quả cầu nhấp nháy.

Ðình Tây Ðằng nằm ở thôn Ðông, thị trấn Tây Ðằng, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50 km. Ngôi đình được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2013. Ðây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Ðoài. Ðình thờ ba vị Thành hoàng: Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh, những vị anh hùng văn hóa, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm...

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Ba Vì, hai cánh cổng cũ của đình đã được thay bằng hai cánh cổng mới, chất liệu bằng sắt, kích thước mỗi cánh 1,96 x 3,29 m, hoa văn trang trí hình trống đồng, sơn mầu vàng đồng nhạt. Trong khi đó, hai cánh cổng cũ được bảo quản cẩn thận tại nhà kho của Ban quản lý (BQL) di tích. Ðáng nói là đây cũng chỉ là hai cánh cổng sắt hoen gỉ, không có giá trị nghệ thuật lịch sử văn hóa gì. Sau khi vụ việc bị phát hiện, UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Tây Ðằng hạ giải hai cánh cổng mới và lắp trả lại nguyên trạng hai cánh cổng cũ.

Vậy là chỉ sau chưa đầy 24 giờ đồng hồ, đình Tây Ðằng lại trở về nguyên trạng, với hai cánh cổng cũ bằng sắt đã hoen gỉ, gãy bản lề, BQL phải kiên cố bằng dây thép. Cũng liên quan đến cái cổng, Cục trưởng Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký một công văn đề nghị Sở VHTT Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình bảo đảm phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.

Vụ việc lại một lần nữa cho thấy sự hồn nhiên, tùy tiện trong ứng xử với các di tích, ngay cả di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt như thế này, vẫn chưa thật sự có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Ðáng lo ngại là dường như nhóm di tích càng có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, được xếp hạng cao thì càng nằm trong nguy cơ "báo động đỏ". "Cộng đồng và chính quyền địa phương vì sự hãnh diện, tự hào về di tích thì lại càng tìm cách bồi đắp, tô vẽ, sửa chữa, dẫn đến tình trạng hủy hoại, biến dạng di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Ở đây, vấn đề là cộng đồng, chính quyền địa phương chưa hiểu hết giá trị cốt lõi của di tích để ứng xử một cách khoa học và đúng pháp luật với những di tích đó...", ông Bình nhấn mạnh.

Những vướng mắc rất… cũ

Tình trạng di tích bị hư hại, biến dạng do tu bổ, sửa chữa, làm mới diễn ra lâu nay dưới nhiều hình thức. Có nhiều di tích cộng đồng hoặc lãnh đạo địa phương không xin phép các cơ quan quản lý có thẩm quyền nhưng tự ý thực hiện; cũng có nhiều nơi đã xin phép nhưng khi thực hiện lại làm không đúng với giấy phép. Có di tích lại bị chính những cán bộ quản lý làm sai. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính ở đây là do người dân, cán bộ địa phương và không loại trừ cả trường hợp cán bộ quản lý di tích thiếu hiểu biết về giá trị di tích, thiếu hiểu biết về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản đang có, đặc biệt là thiếu kiến thức pháp luật. Nhiều vụ việc xâm hại, hủy hoại di tích xảy ra mà không thấy ai bị truy tố, thường chỉ là xử phạt hành chính, kiểm điểm qua loa, phạt cho tồn tại mà ít thấy khắc phục hậu quả. Hiện tượng nhờn luật, không nghiêm minh trong xử lý các vụ việc là nguyên nhân cơ bản khiến ở nhiều nơi không ngừng diễn ra các vụ việc di tích bị xâm hại.

Câu chuyện ở đình Tây Ðằng hay những di tích bị xâm hại, biến dạng khác còn cho thấy rõ những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý di tích. Cánh cổng cũ của Tây Ðằng vốn đã ọp ẹp, cũ nát và rất cần thiết phải thay thế. Nhiều chuyên gia di sản phân tích, di tích tại Việt Nam phần lớn là kiến trúc gạch, gỗ, nhiều di tích đang được sử dụng thường ngày, do đó vấn đề thay mới, sửa chữa cho phù hợp với điều kiện sử dụng của cộng đồng là điều tất yếu, khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện phải tuân thủ quy trình thủ tục, mất rất nhiều thời gian. Trên thực tế, người dân đã gìn giữ được đình Tây Ðằng gần như nguyên vẹn suốt 500 năm qua. Việc thay mới một cánh cổng hay thiết kế lại cảnh quan để bảo đảm an toàn, an ninh, phù hợp với giá trị thẩm mỹ cũng như đúng quy định pháp luật không phải là vấn đề quá khó khăn.

Ðiều quan trọng hơn, là tháo gỡ những vướng mắc, vốn đã được nhận biết từ nhiều năm trước, trong công tác bảo tồn và phát huy di sản.

THIÊN PHƯƠNG