“Giữ lửa” cho làng nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương

Tỉnh Bình Dương có làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận. Ðể làng nghề nức tiếng một thời của cả nước không mai một trước tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, bên cạnh sự nỗ lực của những nghệ nhân tâm huyết, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.

Sản phẩm sơn mài truyền thống tại cơ sở sơn mài Ðịnh Hòa.
Sản phẩm sơn mài truyền thống tại cơ sở sơn mài Ðịnh Hòa.

Bản sắc đặc trưng của làng nghề

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp nức tiếng hàng trăm năm tuổi thuộc phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu, tỉnh Bình Dương. Tìm hiểu về nguồn gốc từ rất sớm của làng nghề truyền thống này, theo cuốn “Bình Dương - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 2003 và nhiều tư liệu lịch sử khác cho biết, trong cuộc di cư đầu thế kỷ XVIII, những người miền bắc, trong đó có những người thợ sơn mài đã đi dọc sông Sài Gòn đến lập nghiệp ở vùng đất Thủ Dầu Một, đưa nghề sơn mài được du nhập và lưu truyền cho đến ngày nay.

Tiếp đó, năm 1901, Pháp lập Trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một (nay là Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương), chủ yếu để dạy nghề chạm trổ, trang trí sơn mài. Theo các tài liệu, đỉnh cao của sự phát triển sơn mài là khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1975, đánh dấu sự ra đời của sơn mài Tương Bình Hiệp là xưởng sơn mài Thành Lễ do hai nghệ nhân là ông Trương Văn Thành và ông Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Nơi đây đã quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng thời bấy giờ đã góp phần đưa hàng sơn mài đạt đến đỉnh cao về sự phong phú, đa dạng và chất lượng nghệ thuật, được xuất sang thị trường châu Âu và có giá trị thương mại lớn.

Theo Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, do điều kiện lịch sử, những cuộc di dân đã đưa các lớp thợ mỹ thuật dân gian từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa, du nhập nghề sơn vào xứ Ðồng Nai, Gia Ðịnh. Vốn mang trong người những tinh hoa văn hóa của vùng đất phương bắc lại kết hợp gắn bó với điều kiện địa lý tự nhiên đất phương nam nên làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã sớm tạo nên phong cách riêng, đặc thù của nơi đây. Những người thợ sơn mài phần lớn là nông dân trở thành nghệ sĩ dân gian hoặc những nghệ nhân khéo tay nên trong nghệ thuật sáng tạo của mình họ không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc. Xuất phát từ đặc trưng này, những nghệ nhân sơn mài vừa kế thừa nét văn hóa mỹ thuật truyền thống của dân tộc, vừa phát huy những giá trị văn hóa của địa phương để tạo nên nét đặc sắc riêng của làng nghề. Các đề tài về thiên nhiên, dân gian hay lịch sử đều mang đậm bản sắc chung của văn hóa dân tộc. Ðiểm chung ở những bức tranh sơn mài thường thấy là các chủ đề về tứ thời, ngư tiều canh mục, long lân quy phụng, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam… Nét văn hóa mỹ thuật này hòa quyện vào dòng chảy văn hóa chung của cả nước, vì vậy vừa có giá trị về văn hóa, vừa mang dấu ấn lịch sử của dân tộc, góp phần vào văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á đông. Làng nghề cũng có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên nhiều chất liệu khác như gỗ, gốm, tre..., sản phẩm sơn mài đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính.

“Giữ lửa” cho làng nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương ảnh 1

Nét đa dạng của sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp.

Cần bảo tồn và phát triển

Tham quan khu bảo tồn và trưng bày sản phẩm của cơ sở sơn mài Ðịnh Hòa, nhìn những bức tranh sơn mài của nhiều nghệ nhân để lại, chúng tôi ngỡ ngàng trước độ tinh xảo của những họa tiết, hoa văn trên những bức sơn mài hàng chục năm tuổi. Với hơn 40 năm trong nghề, Nghệ nhân Ưu tú Trương Quan Tịnh, chủ cơ sở sơn mài Ðịnh Hòa cho biết: Sản phẩm sơn mài hiện có hai dạng, dạng sản phẩm hiện đại theo nhu cầu thị trường và sản phẩm truyền thống thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật sơn mài. Dù sơn mài có nhiều biến chuyển và thay đổi để thích nghi nhưng chúng tôi vẫn duy trì quy trình sản xuất với 12 - 15 nước sơn và tranh sơn ta truyền thống. Ðây là cái gốc của ngành sơn mài Tương Bình Hiệp, không gì thay đổi được.

Mặc dù độc đáo là vậy nhưng sản phẩm sơn mài truyền thống cũng đối mặt với nhiều thách thức do thị hiếu thị trường cũng như ngày còn có nhiều loại sản phẩm cạnh tranh với sơn mài về tranh, ảnh. Theo số liệu thống kê, năm 2001 làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có đến 1.840 hộ tham gia sản xuất với 3.860 lao động; thế nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 90 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương. Cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống thì cần đào tạo thế hệ trẻ, yêu nghề thì mới giữ gìn và phát triển được làng nghề!

Thạc sĩ mỹ thuật, Trưởng khoa sơn mài Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Ðiêu khắc tỉnh Bình Dương Thái Kim Ðiền cho biết: “Lớp trẻ thanh niên bây giờ theo trào lưu mới, chọn nhiều ngành học khác mà ít quan tâm đến nghề sơn mài là điều đáng lo”. Theo ông Ðiền, thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm sơn mài hiện đại, dễ làm mà khan hiếm sản phẩm truyền thống. Tại Bình Dương, nhiều năm qua, những sản phẩm truyền thống có giá trị sâu sắc và phản ánh nét tài hoa của người thợ đều có nhiều người từ nơi khác đến tìm mua hết. Nếu yêu nghề, đam mê và học nghề đến nơi đến chốn, thì người thợ có thể sống tốt.

Ðể làng nghề sơn mài không bị mai một, tỉnh Bình Dương cũng có nhiều hỗ trợ cho làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, như hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường… Nhằm tôn vinh và quảng bá, tạo cơ hội cho làng nghề tiếp tục phát triển, tháng 5-2017, UBND tỉnh đã giao UBND thành phố Thủ Dầu Một phối hợp cùng một số sở, ngành nghiên cứu Ðề án phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp một cách đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, đề án tập trung các nội dung: Xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề sơn mài tỉnh Bình Dương với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện Ðề án triển khai chậm khiến nhiều nghệ nhân lớn tuổi đã gắn bó với nghệ thuật sơn mài băn khoăn, lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Ðặng Minh Hưng cho biết: Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử. Chủ trương của tỉnh là phải bảo tồn để giữ gìn những giá trị truyền thống, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, đầu tư lại các cơ sở vật chất bảo tồn, bảo tàng của tỉnh gắn kết với bảo tồn dân gian ở các địa phương đang lưu giữ cần phải phát huy. Tới đây, tỉnh sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về văn hóa, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ có nhiều nội dung được chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nhằm gắn kết với phát triển kinh tế, nâng cao giá trị dịch vụ; trong đó có những sản phẩm dịch vụ và du lịch tỉnh Bình Dương gắn với sản phẩm truyền thống. Với những giải pháp này, thời gian tới làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ tiếp tục được quan tâm, giữ gìn và phát triển.