Để danh hiệu thật sự là động lực

Việc vinh danh các nghệ sĩ trong ngành nghệ thuật biểu diễn, dù đã có những thay đổi, điều chỉnh, song vẫn còn vướng mắc khá lớn. Không chỉ gây nên những bức xúc, tranh cãi, trong nhiều trường hợp, các quy định hiện hành còn làm thiệt thòi cho những nghệ sĩ có cống hiến và tài năng.

Năng động, nhiệt huyết làm nghề, nhưng nhiều nghệ sĩ phía nam lại chưa được vinh danh vì thiếu tiêu chí huy chương.
Năng động, nhiệt huyết làm nghề, nhưng nhiều nghệ sĩ phía nam lại chưa được vinh danh vì thiếu tiêu chí huy chương.

Bất cập công lập - tự do

Sự công bằng trong đánh giá, khen tặng là yêu cầu chính đáng của mọi cá nhân, tập thể ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt với đối tượng là các nghệ sĩ, vốn là những con người đầy nhạy cảm. Nhưng, luôn có ngoại lệ trong lĩnh vực nghệ thuật, nơi mà việc đánh giá, đo đếm đôi khi hoàn toàn dựa vào nhận thức thẩm mỹ hay mang đầy cảm tính cá nhân. Cho nên, đòi hỏi sự chính xác, công bằng là điều mà bất kỳ ai khi được hỏi ý kiến về việc phong tặng danh hiệu đều nhấn mạnh.

Phân tích trong tiêu chí để Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có thể thấy bốn tiêu chí chính, theo lời NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là: Yêu cầu về trung thành với đường lối văn hóa của Đảng, được bạn nghề tôn trọng, ba là đủ huy chương và bốn là được khán giả yêu mến…

Như vậy, trong bốn tiêu chí đó thì tiêu chí cứng duy nhất là yêu cầu đủ huy chương. Có thể thấy, đứng về mặt nghề nghiệp, nếu người nghệ sĩ nhận huy chương vàng tức là đã được giới nghề đánh giá cao nhất về mặt tài năng. Tuy nhiên, khoan bàn đến chuyện những kỳ cuộc gần đây luôn bị báo giới cho là mưa huy chương, rồi “chạy” huy chương… thì đây cũng là tiêu chí khiến cho nhiều nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến, có tài năng đích thực song vẫn không vượt qua được ngưỡng chỉ tiêu này.

Trước hết, là những nghệ sĩ hoạt động tự do, không thuộc bất kỳ đơn vị nghệ thuật nào thì việc có thể với tay tới các tấm Huy chương vàng là giấc mơ xa vời. Còn có những nghệ sĩ giỏi ở các đơn vị công lập cũng chịu phận ấm ức. Bởi họ luôn không gặp may mắn khi không được phân vai trong vở đi tham dự, hoặc có vai nhưng quá sơ sài, không có đất diễn. Có những nghệ sĩ khi đọc danh hiệu, người ta ngỡ ngàng vì so sánh tài năng với các NSND khác, thật sự họ đã rất xứng đáng với danh hiệu cao quý này, nhưng vì thiếu huy chương mà vẫn chỉ là NSƯT. Nhà viết kịch Chu Thơm liệt kê hàng loạt các nghệ sĩ lớn vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSND: Chị Ngọc Hiền, chị Mỹ Dung, hay Thành Hội, Thành Lộc, đúng ra phải là NSND từ lâu rồi.

Ông bạn Việt Anh đã 60 tuổi, vẫn chỉ là NSƯT…

Các nghệ sĩ lớn tuổi luôn mong muốn đào tạo, vun xới cho thế hệ kế tiếp mình, vì vậy, chỉ âm thầm lặng lẽ buồn khi không thể có thêm huy chương cho cá nhân. NSƯT Minh Thu của Nhà hát Chèo Việt Nam tâm sự: Thầy già con hát trẻ, chả nhẽ để có được hai huy chương cho đủ điều kiện, chúng tôi phải cướp vai của lớp con cháu chúng tôi sao…

Vì nhiều lý do, có người còn bị thiệt thòi do sự tắc trách của đơn vị cơ sở khi người lãnh đạo đôi khi lãng quên quyền lợi của nghệ sĩ khiến họ không hoàn thành hồ sơ đúng lúc, đúng thời điểm. Đặc biệt, với một đội ngũ nghệ sĩ dù đã nghỉ chế độ, nhưng vẫn rất tích cực tham gia hoạt động nghệ thuật, thậm chí còn bay cao hơn do có được sự rộng mở về thời gian, không gian bên ngoài đơn vị mình. Nghệ sĩ Hương Dung cũng nhận xét, với các nghệ sĩ đã nghỉ hưu, cần có cách đánh giá mềm mại hơn để không làm họ tủi thân, khi họ vẫn tiếp tục cống hiến, “nhả tơ” cho đời.

Nghịch lý còn thể hiện rõ ràng hơn nếu nhìn rộng ra, khi sân khấu phía bắc hoạt động cầm chừng, thì sân khấu phía nam, dù phải đi thuê mướn rạp vẫn liên tục đỏ đèn, vậy nhưng đội ngũ nghệ sĩ phía nam ít được vinh danh cũng chỉ vì thiếu tiêu chí huy chương. NSND Lê Khanh phải dùng tới từ thẹn thùng khi phân tích sự khác biệt của hai phương thức hoạt động này và sự mất công bằng trong đánh giá đội ngũ nghệ sĩ phía nam: Đối diện với các bạn nghề phía nam tôi thấy thẹn thùng vì chúng tôi được bao cấp, nhưng không hoạt động được nhiều, vậy mà vẫn liên tục được huy chương để rồi liên tục được phong tặng. Trong khi các bạn tôi ở phía nam hoạt động rất tốt thì lại không có cơ hội tham dự các kỳ cuộc để lấy huy chương…

Quy định chưa sát hợp

Việc bất hợp lý này còn thêm phần tô đậm hơn nữa khi các nghệ sĩ có danh, có những dấu ấn tốt trong cống hiến nghệ thuật mà thiếu huy chương vẫn bị rơi khỏi diện xét tặng thì cũng có những nghệ sĩ chưa có sự cống hiến nổi trội vẫn được xét phong tặng.

Nhìn lại thì, trong quá trình xét tặng ở nhiều kỳ, cũng đã có những nghệ sĩ được “đặc cách”, không cần đủ huy chương, song số này chưa nhiều. NSND Lê Tiến Thọ khẳng định: Ở đây có nhiều nghệ sĩ trong quá trình cống hiến họ đã tạo ra được cái danh. Thí dụ trường hợp bà Kim Liên, được đích thân Bác Hồ đặt tên. Rồi các bà như Thanh Trầm, Dịu Hương… những tên tuổi sáng chói của làng chèo mà học trò của các bà đều đã lên NSND… Mãi rồi chúng tôi mới đạt được sự nhất trí trong việc đặc cách với một số trường hợp này.

Có lẽ, đã đến lúc cần có những thay đổi trong đánh giá, vinh danh các nghệ sĩ sao cho công bằng, hợp lý, để những nghệ sĩ được vinh danh thấy tự hào, người chưa được phong tặng tâm phục khẩu phục, cố gắng phấn đấu hơn nữa để mỗi đợt vinh danh nghệ sĩ thật sự là niềm vui chung của cả giới nghề. Được như vậy, thì sự tôn vinh mới tạo nên động lực thúc đẩy nghệ sĩ sáng tạo, tạo đà cho sân khấu nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung phát triển mạnh mẽ.