Cơ hội cho điện ảnh Việt vươn mình?

LHP quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018 (Haniff 2018) với sự tham gia của gần 50 nền điện ảnh trên thế giới những ngày qua đã trở thành sự kiện văn hóa mang đến nhiều hứng khởi không chỉ với các nghệ sĩ. Haniff 2018 cũng được kỳ vọng là cơ hội cọ xát, học hỏi để nền điện ảnh Việt Nam vươn mình, lớn mạnh hơn.

Phim Nhắm mắt thấy mùa hè là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh giải tại Haniff 2018.
Phim Nhắm mắt thấy mùa hè là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh giải tại Haniff 2018.

"Bữa tiệc" phim kinh điển

Qua bốn kỳ tổ chức, dấu ấn của Liên hoan phim Haniff cho đến năm nay đã được thể hiện ngày càng rõ nét. Có tới 147 bộ phim của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, cách biệt lớn so với kỳ đầu tiên - chỉ có 59 phim của 22 nền điện ảnh thế giới. "Ðiều đáng nói hơn cả là cách lựa chọn tác phẩm. Ban tổ chức chỉ chọn phim dự thi chưa qua "thử lửa" tại châu Á thay vì chỉ cần chưa dự thi ở khu vực Ðông - Nam Á như trước. Từ đó, liên hoan sẽ có điều kiện phát hiện các tài năng điện ảnh mới và trình chiếu nhiều phim mới hơn...", bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Ðiện ảnh, chia sẻ.

Nhiều tác phẩm điện ảnh có tiếng vang của Ba Lan, Iran, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Argentina, Pháp, Nga, Ðức và các nước Ðông - Nam Á… dự thi cũng cho thấy sức hút ngày càng lớn của LHP Haniff. Ngoài phim dự thi, một bộ sưu tập phim phong phú và đặc sắc từ nhiều nền điện ảnh cũng được đưa tới với công chúng trong suốt năm ngày tại bốn hệ thống rạp chiếu của Hà Nội. Ðiện ảnh Việt Nam cũng tham dự liên hoan với số lượng lớn hơn những kỳ trước, với gần 40 phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình được sản xuất từ năm 2016 đến nay. Những con số này vừa giúp công chúng cảm nhận sự tiến bộ của điện ảnh nước nhà, vừa tạo cơ hội đưa phim Việt Nam vào thị trường điện ảnh quốc tế.

Haniff 2018 không chỉ mở cánh cửa hội nhập mà còn ghi nhận những cuộc gặp gỡ nhiệt huyết giữa các thế hệ người làm điện ảnh Việt Nam, giữa điện ảnh Việt với quốc tế, giữa khán giả yêu phim ảnh với các nghệ sĩ, diễn viên, nhà làm phim. Nhiều nghệ sĩ gạo cội, những vai diễn kinh điển của điện ảnh Việt Nam xem đây như một cơ hội ý nghĩa của những người làm nghề.

Hào hứng khi chứng kiến Haniff đã ngày càng thu hút nhiều hơn những tác phẩm, đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, nhà sản xuất phim Phước Sang chia sẻ: "Ðiều đó thật sự tạo nên hưng phấn cho các nhà làm phim. Lâu nay, chúng ta "đá sân nhà" hoài nên không biết mình hay dở thế nào. Khi được cọ xát với quốc tế thì sẽ nâng cao trình độ nghề nghiệp hơn, sẽ biết mình đang thiếu những gì, và tầm nhìn của các nhà điện ảnh quốc tế ở đâu để học tập".

Ðiện ảnh Việt học được gì?

Với tiêu chí phim dự thi phải chưa tham gia các liên hoan ở khu vực châu Á, Nhắm mắt thấy mùa hè trở thành đại diện duy nhất cho Việt Nam tranh tài ở Haniff 2018. Nữ diễn viên chính của Nhắm mắt thấy mùa hè, Phương Anh Ðào chia sẻ, lần đầu tiên đến Haniff nên mọi thứ đều rất mới mẻ. "Ðây là dịp để những người trẻ có cơ hội mở rộng tầm quan sát của mình. Khi biết Nhắm mắt thấy mùa hè trở thành đại diện Việt Nam tranh tài với bạn bè thế giới, tôi rất bất ngờ bởi chưa bao giờ nghĩ bộ phim sẽ mang lại cho tôi và cả ekip nhiều cơ hội đến vậy...", Phương Anh Ðào cho biết.

Giao lưu, mở rộng tầm nhìn, nhưng sẽ học hỏi được những gì? Câu hỏi được giới nghề Việt Nam đặt ra đã có những lời giải đáp từ nhiều góc độ. Nổi bật trong chuỗi hoạt động của liên hoan, kinh nghiệm được các chuyên gia đến từ những nền điện ảnh lừng danh như Ba Lan, Iran trong hai chương trình "Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan" và "Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran" đã mang đến cho đội ngũ làm phim Việt không ít bài học giá trị. GS Andrej Pitrus (Ðại học Jagiellonian, Ba Lan) chia sẻ, điện ảnh Ba Lan thành công một phần bởi học hỏi từ nhiều nền điện ảnh lớn. "Nhiều bộ phim nổi tiếng chỉ bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ thôi. Nhưng chúng tôi đã luôn khám phá và tìm kiếm cơ hội ở cả những nơi tưởng chừng như không thể", ông nói.

Bài học từ điện ảnh Iran là thành công của những bộ phim kinh phí thấp, không cảnh nóng và luôn phải chấp nhận sự kiểm soát gắt gao. Ðiều này có vẻ như trái ngược với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay, khi các nhà đầu tư luôn đặt yếu tố doanh thu, ngôi sao và bán vé lên hàng đầu, nhưng dấu ấn thành công lại không nhiều.

Ðạo diễn Rouhollah Hejazi của bộ phim nổi tiếng Buồng tối (The Dark Room) chia sẻ: "Với các cảnh quay nhạy cảm, các nhà điện ảnh Iran buộc phải sáng tạo. Chúng tôi phải xử lý những cảnh quay về nội dung bạo lực, tình dục bằng ánh sáng, âm thanh, góc máy và cảm xúc..., để chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật".

"Ðừng nhìn mỗi bộ phim như một dự án kinh doanh!", đó chính là kinh nghiệm được đạo diễn trẻ Việt Nam Nguyễn Hoàng Ðiệp chia sẻ từ những bài học của điện ảnh Iran. Nữ đạo diễn trăn trở, có đến 90-98% phim Việt hiện nay nghiêng về yếu tố thương mại, hài hước, hành động. Cho nên, mỗi khi thực hiện dự án phim mới, các nhà làm phim luôn nhận được câu hỏi: Phim có ăn khách không? Có hợp thị hiếu không? Có ngôi sao hay không?... Nhiều dự án phim đã được nhìn dưới góc độ của một dự án kinh doanh chứ không phải là tác phẩm nghệ thuật. "Có lúc tôi đã thật sự cảm thấy hoang mang, bởi khi có đến 98% phim thương mại thì 2% còn lại là con số quá thấp. Những bộ phim nghệ thuật tử tế liệu có "chống chọi" được không? Phim Iran cho thấy những giá trị tử tế, nhân văn. Ðiều đó trở thành điểm tựa mỗi khi tôi cảm thấy hoang mang. Tôi nhìn vào những bộ phim hay, những nhà làm phim tử tế để bước tiếp"- nữ đạo diễn phim Ðập cánh giữa không trung tâm sự.