Đạo diễn Quốc Thảo:

Cần nhìn công bằng hơn với sân khấu xã hội hóa

Sau gần nửa năm ra mắt, sân khấu Quốc Thảo (TP Hồ Chí Minh) vừa giới thiệu vở kịch đầu tiên - Nắng chiều, bước đầu tạo được thiện cảm trong lòng khán giả. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Quốc Thảo về những tâm huyết của anh với sân khấu.

Cảnh trong vở Nắng chiều.
Cảnh trong vở Nắng chiều.

Khao khát tìm thế hệ diễn viên kế thừa

- Thưa đạo diễn Quốc Thảo, để thành lập sân khấu trong thời điểm này thì một là phải rất đam mê, hai là có nhiều tiền. Anh thuộc trường hợp nào? - Tôi nghĩ mình thuộc trường hợp đam mê và liều, chứ tiền thì không có nhiều đâu. Đương nhiên công việc nào cũng vậy, không có tiền rất khó để làm. Vậy nên tôi đã hợp tác với hai người bạn là Quốc Thuận và Nguyễn Thảo để chia sẻ và hỗ trợ với nhau. Bản thân tôi là người chỉ biết nghệ thuật, rất dở về sổ sách, tính toán. Trong khi đó, Quốc Thuận có khả năng tính toán giỏi về sản xuất, còn Nguyễn Thảo lại giỏi về marketing. Ba chúng tôi sẽ bù trừ cho nhau.

Không chỉ bạn bè mà bản thân tôi cũng thấy mình liều. Tuy nhiên, bất cứ một việc gì cũng vậy, nếu chúng ta không liều một chút, không mạo hiểm một chút thì sẽ khó tìm được cái mới. Thêm vào đó, khi lập ra sân khấu Quốc Thảo, tôi muốn được thực hiện tâm nguyện là truyền lại những gì mà mình có được cho các bạn trẻ. - Nghĩa là sân khấu Quốc Thảo sẽ đi theo mô hình vừa đào tạo vừa biểu diễn?

- Đúng là như vậy. Tôi được học hỏi mô hình này sau thời gian sống và làm việc ở Mỹ. Nơi đây, tôi thấy có những nhà hát vừa đào tạo vừa biểu diễn, học viên được đào tạo theo phong cách của họ. Chính vì vậy, sau khi ra trường, họ sẽ hòa nhập với nhà hát nhanh hơn. Tôi muốn sân khấu Quốc Thảo đi theo mô hình này, đào tạo diễn viên cho chính sân khấu của mình; nhờ đó kết thúc khóa học chúng tôi sẽ có ngay diễn viên cho những dự án tiếp theo của sân khấu.

- Liệu đây có phải là cách anh lấy thu bù chi, giúp sân khấu đi được đường dài? - Chúng tôi hạch toán hai nguồn thu hoàn toàn riêng biệt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là tài chính, mà chúng tôi muốn đào tạo ra một lớp diễn viên phù hợp với sân khấu của mình. Bởi vì tôi đang có tham vọng đào tạo một thế hệ diễn viên kế thừa các bậc đàn anh, đàn chị đi trước. Nếu tôi không mở sân khấu mà chỉ mở một lớp học thôi chắc chắn các bạn sẽ không có nơi để thực hành những điều được học. Học và hành phải đi đôi với nhau, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

- Đào tạo hay biểu diễn sẽ là chức năng chính của sân khấu Quốc Thảo? - Hai chức năng này sẽ tương hỗ cho nhau, tất nhiên sân khấu Quốc Thảo vẫn là nơi biểu diễn chính với những nghệ sĩ tên tuổi như Đại Nghĩa, Lê Giang, Tấn Phát... Trong vở Nắng chiều, tôi mạnh dạn đưa tất cả các bạn học viên của khóa 1 lên sân khấu, đảm đương nhiều vai trò: diễn viên phụ, người dẫn chuyện, chuyển đạo cụ… Đặc biệt, dù chỉ đảm đương vai phụ nhưng diễn viên trẻ Khương Hưng cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả.

Cần nhìn công bằng hơn với sân khấu xã hội hóa ảnh 1

Cạnh tranh lành mạnh là điều cần thiết

- Sự chật vật của một số địa chỉ sân khấu xã hội hóa từng rất thành công đang khiến cho nhiều người hoài nghi về mô hình xã hội hóa trong hoạt động biểu diễn. Anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào? - Tôi thấy xã hội hóa sân khấu là phương án tốt nhất hiện nay để sân khấu tồn tại. Xu hướng xã hội hóa sân khấu diễn ra mạnh ở phía nam, các sân khấu đều rất năng động, tạo cho mọi người tinh thần tự thân vận động để tồn tại. Nó đang theo quy luật của thị trường. Còn các sân khấu phía bắc vẫn đang theo mô hình bao cấp, làm cho sự năng động bị kiềm chế.

Cái vướng mắc duy nhất theo tôi đó là mỗi sân khấu hiện vẫn phải tự thân vận động, và họ chưa được đối xử công bằng. Cụ thể, đối với những sân khấu nhà nước, một vở diễn được dàn dựng theo kinh phí Nhà nước cấp, sáng đèn một, hai suất rồi xếp xó. Nhưng họ vẫn cứ làm bởi vì đó không phải tiền của họ. Còn sân khấu xã hội hóa phải tự bỏ tiền ra để làm, phải làm sao thu hút khán giả đến rạp, nhờ đó có tiền để xoay vòng cho những kịch mục khác. Điều này không được công bằng cho những sân khấu xã hội hóa, nhất là khi họ muốn dàn dựng những vở mang tính học thuật mà kén khán giả. Họ có đủ khả năng, thậm chí làm tốt nhưng chắc chắn họ không dám bỏ tiền ra để làm vì họ biết khán giả đến sẽ rất ít, không có đủ khả năng để thu lại. - Ý anh là các sân khấu xã hội hóa vẫn cần có thêm sự hỗ trợ của

Nhà nước? - Đúng rồi. Theo tôi, Sở Văn hóa - Thể thao nên “chọn mặt gửi vàng”, đầu tư cho các sân khấu xã hội hóa chứ không chỉ nhất nhất rót kinh phí cho sân khấu Nhà nước. Thí dụ, Sở phát động một đợt kịch bản nào đó, hoặc một đề án nào đó mà các sân khấu đều được tham gia đưa ra đề án và Hội đồng nghệ thuật sẽ quyết định đề án của sân khấu nào là tốt nhất để làm. Như vậy sẽ công bằng hơn, thay vì Nhà nước chỉ đầu tư cho các sân khấu Nhà nước còn sân khấu xã hội hóa thì kệ và không khuyến khích họ làm các tác phẩm nghệ thuật.

- Trong xu hướng xã hội hóa, hệ quả tất yếu là sự cạnh tranh giữa các sân khấu. Anh nghĩ sao về sự cạnh tranh này? - Tôi rất thích sự cạnh tranh và đây là sự cạnh tranh cần thiết để các sân khấu tồn tại và phát triển. Nếu sân khấu mà độc quyền thì không còn gọi là sân khấu nữa. Sang New York (Mỹ), chỉ cần đi dọc đường Broadway thôi bạn đã thấy bao nhiêu là sân khấu, nhà hát. Chỉ cần đi vài ngã tư là gặp nhà hát rồi.

Đó là cạnh tranh và người ta đã rất thành công.

Tôi cho rằng, sân khấu cần phải đa dạng, nhiều màu sắc chứ không phải cạnh tranh để triệt tiêu nhau. Nếu khán giả thích hình sự trinh thám có thể đến sân khấu A, thích một vở tâm lý xã hội thì đến sân khấu B, thích xem một vở mang tính nghệ thuật cao, có gì đó mới mẻ thì đến sân khấu C. Tôi lấy thí dụ vậy. Đây là một sự cạnh tranh lành mạnh. Nếu có nhiều địa chỉ thì đời sống sân khấu ở thành phố càng nhộn nhịp hơn, kéo được khán giả đến với mình nhiều hơn. So với dân số hiện nay của thành phố mà mới có chừng đó sân khấu là quá ít. Tôi mong muốn làm sao sân khấu sẽ phát triển, trở thành thương hiệu của thành phố, để du khách tới Sài Gòn ban đêm sẽ lựa chọn giải trí bằng cách đi xem kịch, cải lương. Nếu có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, tôi nghĩ, điều này sẽ thực hiện được.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ!