Làm trong sạch thị trường băng, đĩa

Nhiều băng đĩa không rõ xuất xứ trên thị trường.
Nhiều băng đĩa không rõ xuất xứ trên thị trường.

Nạn băng đĩa nhập lậu có nội dung độc hại đang làm vẩn đục môi trường văn hóa xã hội. Những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa cùng việc xử phạt chưa nghiêm minh đã tạo kẽ hở cho sự bùng phát các cửa hàng kinh doanh băng đĩa hình trái phép.

Ðiện ảnh phim nhựa ở nước ta hơn một thập kỷ nay sa sút và băng đĩa hình đã lên ngôi. Buổi đầu là băng hình, rồi sau đó đĩa hình (VCD) và nay đang phổ biến đĩa hình chất lượng cao (DVD) đã là cuộc cách mạng về công nghệ âm thanh và hình ảnh. Nó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của cộng đồng và đang cấu thành một mặt sinh hoạt văn hóa trong nhiều gia đình ở thành thị và nay đang phát triển về nông thôn.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều đầu đĩa hiện đại là sự tăng gấp bội các loại đĩa hình.

Vấn đề đĩa lậu, đĩa có nội dung độc hại đã là "chuyện xưa", song lại luôn mang tính thời sự nóng bỏng. Mấy năm trước, hàng chục hãng sản xuất, kinh doanh băng đĩa hình trong cả nước đã cùng nhau ký vào văn bản đệ trình Chính phủ, Quốc hội "kêu cứu" về nạn băng đĩa lậu hoành hành (!). Nhưng rồi sự thể là đến nay băng đĩa lậu có nội dung độc hại vẫn cứ nhởn nhơ và có phần "sống khỏe khoắn" ngoài vòng pháp luật...

Ðể tìm hiểu việc quản lý kinh doanh băng đĩa hình, tôi tìm gặp ông Trần Văn Tung, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Ông cho biết:

- Theo tôi có hai nguyên nhân chính: Một là, chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nguồn băng đĩa nhập lậu mà chủ yếu là qua các cửa khẩu phía bắc... Hai là, nạn in sao đĩa lậu từ các đĩa gốc của nhà sản xuất và từ TEVRON đưa từ vệ tinh xuống.

Từ năm 2000, sau khi Chính phủ bãi bỏ một số giấy phép kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa, trong đó có giấy phép hành nghề bán và cho thuê băng đĩa nhạc (các cửa hàng nay chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do các phòng kinh tế quận, huyện cấp)... Từ đó việc kinh doanh băng đĩa nhạc "bung ra" rất nhiều. Ngành văn hóa không thể nào nắm được danh sách này, nhất là đối với các cửa hàng mới mở.

Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, các cửa hàng treo biển kinh doanh băng đĩa nhạc, nhưng khi kiểm tra đều thấy bán  và cho thuê băng đĩa hình, trong đó số lớn là đĩa lậu và có không ít đĩa có nội dung xa lạ với văn hóa dân tộc.

Ðược biết, trong năm 2003 thanh tra sở đã tiến hành giám định 33 vụ băng đĩa lậu gồm: 56.635 đĩa hình và bảy băng hình, đã phát hiện 1.486 đĩa hình, bảy băng hình đồi trụy, sáu đĩa phản động; tịch thu 1.267 đĩa nhạc, đĩa hình.

Qua 21 vụ giám định theo trưng cầu từ đầu năm 2003 đến tháng 8-2003 cho thấy băng đĩa có nội dung độc hại chiếm số lượng không nhỏ. Ðiển hình là vụ: Nguyễn Tiến Ðạt, trú tại số 53 tổ 8D cụm 4 Cống Vị, Ba Ðình (Công an quận Ba Ðình trưng cầu) kiểm tra 1.015 đĩa nhạc, đĩa hình có đến 114 đĩa đồi trụy, 11 đĩa kích dục.

Ðầu tháng 6 vừa qua, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã tiến hành thiêu hủy nhiều sản phẩm văn hóa có nội dung xấu, trong đó có tới 53.000 đĩa hình, đĩa nhạc "ngoài luồng".

Ðến Hồ Gươm Audio - một doanh nghiệp có uy tín về sản xuất, kinh doanh băng đĩa hình ở thủ đô, Trưởng trung tâm sản xuất CD, VCD, đạo diễn Phạm Ðông Hồng cho biết:

Ở một số nước phát triển, việc dùng đĩa "rởm" ít xảy ra, bởi họ cảm thấy bị xúc phạm khi dùng các sản phẩm kém chất lượng. Nhưng ở Việt Nam, số đông người tiêu dùng lại cho việc này là bình thường. Vì vậy, mặc nhiên các băng đĩa "nhái" có chất lượng hình ảnh, âm thanh dở nhưng giá rẻ gấp nhiều lần vẫn đang thu hút số đông người mua. Hiện giá bán buôn một số đĩa của nhà sản xuất khoảng 27.000 đồng/đĩa, bán lẻ khoảng 37.000 đồng/đĩa, trong khi đó ở thị trường đĩa lậu chỉ khoảng 6.000 đồng - 7.000 đồng/đĩa. Tuy nhiên, cũng có một số người kỹ tính chỉ chọn mua đĩa của các hãng sản xuất kinh doanh vì chất lượng tốt. Thực tế chúng tôi đang sống được bởi còn có đối tượng này...

Tôi băn khoăn:

- Nạn ăn cắp bản quyền đĩa nhạc ở Việt Nam có lẽ là điển hình?

- “Không chỉ ở Việt Nam mà một số nước ở châu Á cũng có những hiện tượng tương tự. Việc ăn cắp bản quyền đĩa hình nay "cực kỳ dễ". Chỉ cần có một cái ổ ghi vi tính là có thể "coppy" đĩa. Ðến nay, hầu như ki-ốt kinh doanh đĩa nhạc nào cũng có đầu ghi, có thể "nhân bản" ngay một hai đĩa khi khách có nhu cầu. Vì thế, một số đĩa có khả năng "vào được thị trường" do nhà sản xuất phát hành chỉ sau hai giờ đã thấy "đĩa nhái" trên thị trường.

Thí dụ trong dịp Tết Giáp Thân, chúng tôi đưa ra đĩa hài "Râu quặp" sau đó vài giờ đã bị "coppy" ngay và bây giờ đi nhiều vùng quê, thấy nhan nhản... đĩa lậu này.

Ở Hà Nội có những "đầu nậu" có "lực" có thể in hàng nghìn đĩa/ngày. Họ chỉ cần 1.300 USD là có một "cây" (đầu ghi) có thể cho ra tám đĩa trong vòng bốn, năm phút. Có "đầu nậu" nay có tới 20 "cây" như thế (!).

Ðĩa lậu được bán khá vô tư ở khắp mọi nơi, phục vụ tận tay người tiêu dùng bằng cách "bán đĩa rong"... len lỏi quán xá, tụ điểm tàu xe, đầu làng, ngõ xóm... Kẻ bán chỉ là người làm thuê. Còn "đầu nậu" thì giấu mặt.

Chuyện thật như đùa. Mới đây một "đầu nậu" không quen biết gọi điện cho tôi, tự giới thiệu rồi nói: "Cảm ơn anh vừa ra đĩa karaoke “Trên đỉnh Trường Sơn” ta hát. Nhạc đỏ có một số bài cũng "được khách" ra phết. Ðĩa này bọn em làm ăn được lắm. Nay gọi là có chút quà mọn (cây ba số) gửi tặng anh hút chơi (!). Chuyện "ăn cắp bản quyền" ở Việt Nam nay lại "hồn nhiên" đến vậy đấy.

Chúng ta mới chỉ nhắc nhiều tới việc bảo vệ bản quyền tác giả. Nhưng ai sẽ là người bảo vệ bản quyền cho các hãng sản xuất đây? Thực tế, mỗi đĩa đưa vào thị trường bị "đánh cắp", nhà sản xuất bị thiệt hại từ 200 đến 300 triệu đồng”.

Ông Tạ Quang Thiều, Giám đốc Xí nghiệp băng đĩa hình Hà Nội cũng cho biết: Do đĩa lậu bành trướng và thị trường kinh doanh đĩa hình nhộn nhạo, từ năm 2001 trở lại đây, việc kinh doanh của xí nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, doanh số hằng năm giảm mạnh. Năm 2003 doanh thu chỉ đạt gần 1,8 tỷ đồng/năm.

Nhiều cửa hàng trước có hợp đồng đại lý với chúng tôi "xin trả" lại. Tuy nhiên, hơn 50% số cửa hàng này lại quay sang bán, cho thuê đĩa hình núp dưới vỏ kinh doanh đĩa nhạc.

Thế là đẻ ra một nghịch lý: trong khi các cửa hàng có giấy phép hành nghề giảm mạnh thì các cửa hàng kinh doanh đĩa lậu lại phình lên. Năm 2000: có 717 cửa hàng (nội thành: 589, ngoại thành: 128), băng đĩa bán: 272.070, doanh thu: 6.533.118.184 đồng. Ðến năm nay còn 161 cửa hàng (nội thành: 108, ngoại thành: 53), băng đĩa bán quý I: 5.000, doanh thu: 450.000.000 đồng.

Nếu như trước đây kinh doanh cassette cũng phải có giấy phép (vì đây là loại hàng hóa đặc thù tác động đến tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ,...) thì nay được kinh doanh tự do. Việc bãi bỏ giấy phép kinh doanh đĩa nhạc vào thời điểm nạn băng đĩa lậu "tác oai, tác quái" trên thị trường quả là kẽ hở để hầu hết các cửa hàng núp bóng kinh doanh CD (đĩa nhạc) mua bán cho thuê trái phép băng, đĩa hình.

Ông Lê Hồng Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Saigon Audio có lần phản ánh: Trong các cửa hàng kinh doanh băng đĩa ở thành phố, băng đĩa lậu chiếm đến 90%. Theo tôi số lượng đĩa độc hại lưu hành trên thị trường có lẽ là rất lớn. Việc thu giữ, tiêu hủy các loại đĩa này do các ngành chức năng thực hiện trong những năm qua cũng chỉ là lượng rất nhỏ... Nạn băng đĩa lậu đã gây ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn tới các nhà sản xuất băng đĩa hình làm ăn chân chính...

Trong mớ hỗn tạp của những loại đĩa độc hại, thấy hai nhóm đĩa "đáng sợ nhất" là đồi trụy kích dục và kinh dị, ma quái. Không ít băng, nhãn ghi "phim tâm lý" nhưng bên trong "tải" nội dung kích dục, ngập lụt những cảnh hoan lạc. Những tác giả của nó không ngừng gia tăng cường độ kích động - từ nuy một phần, nuy toàn bộ tới hành lạc tập thể.

Mới đây thôi, tôi đến thăm gia đình người bạn thân, nhác thấy phòng bên cả đám choai choai quây quần thưởng thức đĩa phim kinh dị, ma quái. Xong rồi, chúng phồng mồm, trợn má, khoa chân, múa tay kể vanh vách những nhân vật kỳ quái trong đĩa này. Tìm hiểu thấy những đĩa dạng này cốt truyện vô lối, chỉ có mục đích duy nhất là khiến cho người xem ghê rợn nhất qua những cảnh đầu rơi, máu chảy, bánh bao nhân thịt người, ma quỷ sống với người đương đại... Loại đĩa kinh dị này cứ bành trướng mãi thì thẩm mỹ non nớt của con trẻ sẽ phát triển theo hướng nào đây?

Ðể định hướng thẩm mỹ cho công chúng cần có hệ thống băng hình có chất lượng, đa dạng về chủ đề. Nhưng điều đáng buồn là đến nay việc sản xuất đĩa hình vẫn "ăn xổi" loanh quanh vài nhóm đề tài: nhạc trẻ, cải lương, hài... Việc dàn dựng chắp ghép vụng về, sơ lược về tư duy thẩm mỹ hoặc quá lạm dụng "tiểu xảo" công nghệ. Phim video, đĩa hình từ nước ngoài được nhập qua các đơn vị chức năng thì đơn điệu, quanh quẩn phim tâm lý, võ thuật... Một số doanh nghiệp tâm huyết muốn làm phim đĩa hình "cho ra trò" thì nản lòng bởi nạn "ăn cắp" bản quyền.

Chúng ta đã có rất nhiều đợt truy quét băng đĩa độc hại, thu giữ, tiêu hủy hàng chục vạn đĩa lậu cùng các phương tiện hành nghề. Thậm chí có một số trường hợp vi phạm đã được đưa ra xử lý trước pháp luật.

Nhưng một câu hỏi vẫn đang treo lơ lửng: Vì sao vi phạm trong kinh doanh băng, đĩa lậu không giảm mà vẫn tiếp diễn phức tạp, lộn xộn gây bức xúc trong dư luận? Hiện trạng 90% số cửa hàng núp dưới biển cassette - CD (băng, đĩa nhạc) nhởn nhơ kinh doanh băng đĩa nhập lậu, trong đó có băng, đĩa độc hại cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực văn hóa.

Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đĩa hình lậu nay giống như xử lý xây dựng trái phép: nghĩa là "phạt cho tồn tại" không có ý nghĩa răn đe. Trách nhiệm thuộc về ai khi "xây" và "chống" đều không kiên quyết?

Ðã đến lúc ta cần phát huy sức mạnh cộng đồng cùng các ngành chức năng tham gia giám sát, phát hiện những vụ việc kinh doanh đĩa lậu, đĩa độc hại, tạo áp lực dư luận phê phán những hành vi kinh doanh trái pháp luật. Nên gắn cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với việc xóa điểm kinh doanh băng, đĩa xấu độc như là một chỉ tiêu bình xét ở cấp phường (cơ sở nắm địa bàn rõ nhất các hoạt động dịch vụ văn hóa).

Cần xử phạt nghiêm minh những "đầu nậu" nhân bản đĩa lậu và những người kinh doanh đĩa hình trái phép, lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa đặc thù này. Ðiều quan trọng hơn cả là chúng ta phải có chiến lược đầu tư nhiều mặt để có nhiều sản phẩm băng, đĩa nhạc, đĩa hình có giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng - tạo thế áp đảo các sản phẩm độc hại.