Xem phim Dưới cờ đại nghĩa: Xứng đáng là phim cho khán giả

Một miền quê an lành với đàn cò trắng bay bay. Một dòng sông êm đềm với chiếc xuồng ba lá trôi nhẹ nhàng, những tàu lá dừa nước vương vít. Bỗng nhiên, vẻ bình yên biến mất. Ầm! Khói lửa mịt mù. Đó là những cảnh đầu tiên của phim Dưới cờ đại nghĩa (dài 78 tập, mỗi tập 30 phút, phát sóng lúc 21 giờ các ngày thứ năm, sáu, bảy, chủ nhật trong tuần trên kênh HTV7). Trong tôi bỗng vang lên mấy câu văn tế của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: "Hỡi ôi! Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ. Mười năm công vỡ ruộng chưa chắc còn danh nổi tợ phao. Một trận nghĩa đánh Tây tuy là mất tiếng vang như mõ".

Khúc ca yêu nước bi tráng

Trong bối cảnh Nam Bộ từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược đến cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Dưới cờ đại nghĩa phác thảo góc nhìn khá bao quát về các lực lượng tự phát từ khi còn hoạt động vì quyền lợi cục bộ đến lúc tất cả cùng tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Hai diễn viên Trung Dũng (giữa)
và Trương Minh Quốc Thái (phải)
đã góp phần làm cho bộ phim
thành công.

Không chỉ tạo những điểm nhấn qua cách nhìn sâu sắc về các nhân vật lịch sử có thật như Mười Trí, Bảy Viễn, Tám Mạnh, Dưới cờ đại nghĩa đạt đến một chiều sâu nhân bản khi khắc họa nhân vật đám đông. Đám đông đó chính là tập thể nhân dân Nam Bộ yêu nước. Họ chìm trong ách nô lệ, bị đàn áp dã man nhưng luôn rực cháy ngọn lửa yêu nước.

Khán giả sẽ không thể nào quên hình ảnh người nghĩa binh bị bọn tay sai và lính Pháp bắt được. Chúng bắt anh ngồi vào lu đựng vôi sống và dội nước sôi. Người nghĩa binh im lặng, mặc kệ những lời chiêu dụ, sự đe dọa, thách thức nhìn bọn giặc với ánh mắt sáng ngời niềm tin vào chính nghĩa. Một cái chết bi phẫn gợi lòng yêu nước sâu thẳm trong khán giả.

Cũng không thể nào quên hình ảnh người mẹ của Sáu Hạnh, hiên ngang cắn lưỡi để cho con giữ vẹn lòng trung. Bà mẹ nói một lời ngắn gọn nhưng đó là cả triết lý sống của nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ: Yêu nước không có nghĩa là a dua theo triều đình bạc nhược mà thuần phục thực dân Pháp. Khí phách Nam Bộ thể hiện trong chính những con người bình thường mà vĩ đại ấy.

Ấn tượng lắng sâu

Đạo diễn Hồng Ngân nhận xét: "Tôi thán phục trước sự chăm chút và chỉn chu của hai đạo diễn Tường Phương - Phương Nam. Để được như vậy, họ đã bỏ bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt".

Diễn viên Lê Thế Dũng với vai diễn chưa đầy 3 phút đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Vai người nghĩa binh của anh không thoại, không hành động. Chỉ có thể diễn xuất bằng ánh mắt, nét mặt. Nữ nghệ sĩ Ánh Hoa trong vai mẹ Sáu Hạnh cũng vậy, chỉ có một câu thoại, còn lại là ánh mắt, là dáng ngẩng cao đầu giữa vòng vây quân thù. Chỉ hai phút cho một vai diễn nhưng đó là bao nhiêu chăm chút của diễn viên và đạo diễn.

Suốt 78 tập phim, sẽ còn không ít vai diễn ngắn nhưng giá trị như thế. Vai Mười Trí của Trung Dũng, Bảy Viễn của Quốc Thái thực sự là điểm nhấn trong sự nghiệp diễn viên của họ. Cả hai đã thực sự rất mới, rất khác. Nỗ lực hơn, chăm chút hơn để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Lý Thanh Thảo trong vai Hai Ngạn là phát hiện đẹp của hai đạo diễn.

Diễn viên Quang Đại (trái) và
Ánh Hoa trong phim

Không thể không nhắc tới nhà quay phim Võ Chiêu Dũng với những cảnh quay tuyệt đẹp về nông thôn Nam Bộ. Cánh cò chao nghiêng trong chiều bình yên, dòng sông trĩu nặng phù sa, chiếc áo bà ba dịu dàng, người con gái tần tảo buông mái chèo... Đẹp như tranh vẽ!

Phần nhạc nền đã hỗ trợ tốt cho diễn biến phim, tương ứng với đối thoại và hành động của nhân vật. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và con trai Quang Anh trau chuốt từng nét nhạc hòa quyện vào mỗi khuôn hình.

Anh Ngọc Bình, Chủ nhiệm phim Dưới cờ đại nghĩa cho biết một số kỷ lục trong phim: Số lượng diễn viên ký hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 200 người; Thời gian quay dài nhất: 22 tháng; Tổng thời gian từ chuẩn bị đến hoàn tất và ra mắt: 6 năm.

Tuy nhiên, ở đôi chỗ, do muốn phác thảo bối cảnh thời đại quá rộng nên phim không tránh khỏi dàn trải. Nhịp phim có lúc khá chậm. Khán giả buộc phải theo dõi thật chăm chú và thực sự tập trung mới có thể nắm bắt được nội dung.

Đạo diễn Đào Bá Sơn nhận xét: "Hai đạo diễn Tường Phương - Phương Nam hết sức cẩn thận, chăm chút từng chi tiết, tôn trọng những sự thực lịch sử, có thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc". 

Làm phim lịch sử không phải là việc dễ dàng. Sẽ có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Dưới cờ đại nghĩa. Nhưng trước hết, phim đã góp phần vun đắp tình yêu nước cho khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đó là thành công. Một Cánh diều vàng thiết tưởng cũng là sự ghi nhận xứng đáng. Nhưng trên hết, đó còn là niềm tự hào nho nhỏ về một bộ phim lịch sử Việt Nam xứng đáng được khán giả dành thời gian trước màn ảnh nhỏ mỗi tối.