Từ quá khứ đến tương lai

Trung tuần tháng 5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo đó xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt điểm cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tại Km 1200, thuộc địa phận thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Trước đó, vào cuối năm 2013, theo Quyết định số 2383/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Km số 0, tức điểm khởi đầu đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, Nghệ An được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt…

Từ khi ra đời ngày 19-5-1959, cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh với nhiệm vụ là tuyến vận tải chiến lược, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc vào miền nam đã phát triển thành hệ thống đường vận tải quân sự với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp, có độ dài lên đến gần 20.000 km. Tân Kỳ được chọn làm điểm khởi đầu của tuyến đường huyền thoại. Nhiều đơn vị chủ lực của quân đội cũng như hàng triệu tấn hàng đã tập kết ở đây trước khi vào nam. Còn Km 1200 tại Bình Phước là điểm cuối tập kết các lực lượng quân giải phóng và phương tiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Cũng bởi thế, trên hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, không chỉ có các di tích ở điểm đầu và điểm cuối mà có tới hàng trăm di tích tiêu biểu. Trong số này, cho đến nay đã có 46 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, trải dài trên 11 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Ðác Lắc, Ðác Nông và Bình Phước. Ðây đều là những địa bàn ghi dấu chiến công oanh liệt của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… làm nên con đường huyền thoại góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Việc chín di tích trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được bổ sung công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt thêm một lần nữa góp phần tôn vinh, tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại này.

Ðường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh với hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa từ điểm đầu đến điểm cuối thể hiện ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nếu như trước đây, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của khát vọng độc lập tự do, thống nhất non sông thì ngày nay đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đang tiếp tục hoàn thiện là công trình xuyên suốt chiều dài đất nước, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng… Cũng bởi thế, đường Hồ Chí Minh đã vươn xa hơn, với điểm đầu ở Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối ở Ðất Mũi (Cà Mau).

Nhìn vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như thời kỳ CNH, HÐH đất nước, có thể thấy rằng, giờ đây, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam không chỉ là tuyến đường hành quân giải phóng đất nước thời chiến, con đường kiến tạo đất nước thời bình mà là con đường của bản lĩnh, trí tuệ dân tộc Việt Nam. Con đường ấy khởi nguồn từ quá khứ, kết nối với hiện tại và đang vươn tới tương lai.