Thiêng liêng gia đình

Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách. Trong xã hội hiện đại, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta, gia đình trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa.

Qua nhiều giai đoạn phát triển, cấu trúc quan hệ gia đình Việt Nam có những đổi thay. Nếu như trước kia, gia đình truyền thống tồn tại ba, thậm chí là bốn thế hệ dưới một mái nhà với các mối quan hệ như cụ ông - cụ bà, ông - bà, bố - mẹ, các con, cháu, chắt…, thì ngày nay gia đình thường chỉ có hai thế hệ gồm bố - mẹ và các con. Do ảnh hưởng của quá trình hội nhập cũng như sự vận động phát triển, quan niệm về gia đình cũng có những biến chuyển khi xã hội bắt đầu chấp nhận sự hiện diện của những mẫu gia đình khác so trước đây như: chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân và con; bố - mẹ cùng giới tính và con…

Sự thay đổi cấu trúc gia đình phần nào ảnh hưởng quan hệ của các thành viên trong gia đình. Trong gia đình truyền thống, tôn ti trật tự được bảo đảm. Sống cùng nhau, mọi thành viên trong gia đình có nhiều điều kiện để bày tỏ tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, lòng hiếu kính, yêu thương nhau. Giá trị mỗi gia đình tạo dựng, vốn được gọi là nếp nhà - gia phong, nhờ đó được trao truyền, bảo tồn qua các thế hệ. Ngày nay, cấu trúc gia đình thay đổi, mối liên kết giữa các thế hệ không còn chặt chẽ như trước.

Cùng với đó, nhịp sống hiện đại, xã hội công nghiệp cũng ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của gia đình. Trong nhiều gia đình, đặc biệt là tại thành phố lớn, đô thị, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo. Trong khi, bữa cơm vốn được xem là nơi để gắn kết gia đình thì ta dễ dàng nhận thấy không ít bữa cơm chung trong nhiều gia đình bị xé lẻ bởi lịch hoạt động, lịch làm việc, lịch học tập… khác nhau của mỗi thành viên.

Không chỉ bị cuốn vào công việc, vào vòng quay hối hả của cuộc sống, con người còn bị chi phối bởi xu hướng cá nhân hóa, nhu cầu bảo đảm quyền riêng tư. Nhiều gia đình, bố mẹ bận công việc, ít dành thời gian cho con cái, dần dà con cái chỉ cần làm bạn với thiết bị điện tử, với internet mà không cần tới bố mẹ. Có những trường hợp, bố mẹ, con cái cùng sống dưới một mái nhà nhưng dường như mỗi người khép kín trong không gian riêng. Có những gia đình các thành viên chỉ chú trọng công việc, mà quên đi việc quan tâm tới nhau, dẫn đến xa cách, thậm chí gây ra những hệ lụy như ly hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình…

Nói những hiện tượng như vậy để thấy rằng, mấu chốt mang lại sự gắn kết trong gia đình chính là quan tâm và chia sẻ. Gia đình vốn là hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ giáo dục… giữa các thành viên. Bởi thế, cho dù xã hội thay đổi như thế nào, nhu cầu quan tâm và chia sẻ, được quan tâm và được chia sẻ vẫn tồn tại. Đây cũng chính là “mảnh đất” để ươm mầm và phát huy giá trị gia đình, cũng là yếu tố cơ bản để bảo vệ gia đình.

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay, với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, là dịp để mỗi chúng ta ý thức hơn nữa vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội, của đất nước.