Thay đổi để cứu chính mình

Những ngày này, trên nhiều tuyến phố, không khó gặp những dải băng-rôn đỏ với dòng chữ: “giải cứu dưa hấu/giải cứu thanh long, phòng chống dịch bệnh corona”… Ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, dưa hấu và một số loại nông sản được bày bán trên vỉa hè thu hút chú ý của nhiều người.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV, còn gọi là Covid-19), các cửa khẩu ở phía bắc kiểm soát chặt, lùi thời gian thông quan nên một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ. Bởi thế, hình ảnh dưa hấu, thanh long ùn ứ, được vận chuyển trở lại nội địa, đề mức giá rẻ như cho, thậm chí phải bỏ đi khiến không ít người xót xa. Chưa hết, tại một số tỉnh miền trung, hàng chục nghìn tấn dưa hấu dự kiến chín rộ vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 cũng khiến chính quyền các địa phương đau đầu.

Diễn biến ấy khiến nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kêu gọi xã hội chung tay “giải cứu” nông sản. Người tham gia giao thông sẵn sàng dừng lại bên lề đường để mua dưa hấu. Không ít nhóm thiện nguyện thuê xe xuống tận ruộng thu mua nông sản, tìm mối bán trên tinh thần không vì lợi nhuận. Nhiều đơn vị bán lẻ, các siêu thị áp dụng chương trình bán giá vốn, hỗ trợ chi phí vận chuyển một số mặt hàng nông sản. Chủ một thương hiệu bánh kẹo cũng công bố rộng rãi công thức sản xuất bánh mì với thành phần nguyên liệu là quả thanh long để giúp nông dân có thêm địa chỉ tiêu thụ loại nông sản này…

Những lời kêu gọi cùng hình ảnh trên internet, phương tiện truyền thông và các hoạt động hỗ trợ thiết thực không chỉ tạo hiệu ứng tích cực, khích lệ, động viên nông dân vượt qua khó khăn, mà còn giúp lan tỏa tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc trong cộng đồng. Ðiều đó càng góp phần khẳng định các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… vẫn trường tồn và luôn được phát huy.

Không phủ nhận, “giải cứu” nông sản là cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải chuyện mới. Nhiều năm qua, mỗi khi “được mùa mất giá”, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh, mỗi khi thị trường nhập khẩu thay đổi chính sách…, nông sản xuất khẩu của ta lại rơi vào tình trạng như vậy. Hiện tượng này lặp đi lặp lại khiến không ít người nhận định nông sản Việt Nam cứ “đến hẹn lại… chờ giải cứu”. Có không ít hội nghị, hội thảo được tổ chức khẩn cấp ngõ hầu tìm đầu ra cho nông sản, nhưng hiệu quả còn mờ nhạt. Mới đây, nghịch lý còn xuất hiện khi hệ thống phân phối lớn cả nước sẵn sàng “giải cứu” nông sản nhưng các địa phương không cung ứng đủ hoặc nhỏ giọt do thiếu thông tin hoặc chưa có sự kết nối...

Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam không thể mãi trông chờ “giải cứu”, mà phải tự “giải cứu” chính mình. Giải cứu không chỉ để bán vài chục xe thanh long, dăm ba chục xe dưa hấu mà đó phải là chuỗi hoạt động quy củ. Ở lĩnh vực sản xuất, phân phối, nông dân, hay doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản phải bảo đảm chất lượng, chủng loại, quy cách. Nhà phân phối cũng phải thực hiện đúng cam kết về thời gian, giá cả…, tránh “tham bát, bỏ mâm”. Cả người sản xuất lẫn nhà phân phối cần nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và ngoài nước về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật, về vệ sinh an toàn, áp dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức lại sản xuất, cung cấp thông tin đầy đủ cho các bên tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ, kết nối chặt chẽ giữa sản xuất, phân phối và tiêu thụ; quy hoạch lại vùng sản xuất nông sản; mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường, đa dạng hóa nông sản thay vì chỉ khuyến khích sản xuất một vài loại nông sản thế mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp logistics…

Trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 còn phức tạp, có khả năng chưa sớm kết thúc, xét ở phương diện tích cực, những khó khăn hiện tại đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam sẽ tạo động lực để người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ, chính quyền các địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan thay đổi để tự cứu chính mình.