Thành phố thông minh

Đầu tuần này, UBND thành phố Hà Nội cùng liên danh Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) công bố Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4,1 tỷ USD trên diện tích 272 ha thuộc địa bàn ba xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (Đông Anh), được lập dựa theo quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Dự án sẽ xây dựng khu đô thị mới gồm văn phòng, trung tâm tài chính - thương mại, khu nhà ở, trường học, công viên…, áp dụng công nghệ như: công nghệ quản trị năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị an ninh thông minh, lớp học thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Được thực hiện theo năm giai đoạn, Dự án dự kiến hoàn thành năm 2028, trong đó, giai đoạn một hoàn thành sau hai năm kể từ khi được bàn giao mặt bằng.

Khái niệm thành phố thông minh hay đô thị thông minh xuất hiện ở Việt Nam khoảng dăm, bảy năm lại đây. Tại Hà Nội, ý tưởng này đang dần đi vào cuộc sống. Tính đến hết tháng 8-2019, Hà Nội triển khai 1.427 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong tổng số 1.839 thủ tục hành chính (đạt 79%), phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt 100%; hệ thống giám sát giao thông được “thông minh hóa” cùng hàng loạt camera lắp trên nhiều tuyến phố; từ năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục Hà Nội triển khai phần mềm sổ liên lạc điện tử tới phụ huynh học sinh cấp tiểu học, THCS và THPT; hoàn thành sớm mục tiêu trồng một triệu cây xanh vào cuối năm 2018… Thông qua các dự án đô thị, nhiều khu dân cư chất lượng cao xuất hiện, cơ sở hạ tầng được xây mới và nâng cấp, đời sống người dân nhờ đó được cải thiện.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hà Nội nói riêng, các đô thị lớn nói chung, ngoài việc đối diện vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, đang đau đầu giải bài toán đô thị hóa và phát triển đô thị. Cụ thể, tại Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, việc quản lý hạ tầng đô thị như cấp, thoát nước, thu gom xử lý rác thải và nước thải… khó khăn; các dịch vụ công như y tế, giáo dục, văn hóa… quá tải; ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, thủ tục hành chính còn phức tạp. Bối cảnh đó cho thấy, việc hướng tới xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh là nhu cầu chính đáng và tất yếu.

Mục đích xây dựng thành phố thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống con người - chủ thể hưởng lợi đồng thời là chủ thể hành động, trước sức ép đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Trên phạm vi cả nước, Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội là dự án đầu tiên thuộc loại này được triển khai, là tiền đề hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Thực tế cho thấy, phát triển đô thị thông minh không chỉ là áp dụng công nghệ, mà còn cần thêm nhiều thành tố, đặc biệt, cần kết hợp đồng bộ, hài hòa công nghệ thông minh, hệ thống vận hành thông minh và con người thông minh (hay tư duy quản lý - sử dụng thông minh). Dựa trên các thành tố đó, thành phố thông minh sẽ sớm hội tụ điều kiện để định hình.

Việc thực hiện Dự án Thành phố thông minh của Hà Nội như vậy không chỉ phù hợp chủ trương giãn dân nội đô, phát triển đô thị phía bắc sông Hồng mà còn là bước đi thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là “hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới”.