Những hành xử nguy hiểm

Liên tục những thông tin gây xôn xao dư luận gần đây không khỏi khiến nhiều người giật mình. Từ vụ các thanh niên hành hung một nữ tiếp viên Hãng hàng không Vietjet Air và va chạm với các nhân viên an ninh tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa chỉ vì tiếp viên này không đồng ý chụp ảnh chung cùng những người lạ trên, tới vụ một cô giáo ở Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cùng các học sinh tát một bạn cùng lớp hơn 230 cái bởi học sinh này bị phát hiện nói tục, cho đến vụ hai hành khách người Việt Nam bị giữ lại tại sân bay ở Ma-lai-xi-a do trong lúc làm thủ tục tại sân bay nói đùa trong hành lý có bom. Những vụ việc điển h&igrav

Hằng ngày, ở bất kỳ đâu, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều những hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm không đẹp, thậm chí vi phạm pháp luật, nhưng chính chủ thể của những hành vi, lời nói, việc làm ấy lại cứ ngang nhiên thực hiện mà vô tình hay hữu ý không biết rằng, những lời nói, việc làm của họ đang gây tổn thương tới những người chung quanh, làm ảnh hưởng tới xã hội.

Nếu phải liệt kê chi tiết ra những thái độ, hành vi trên, có thể phải tốn rất nhiều giấy mực mới tạm coi là đủ, chỉ cần đưa ra những hành vi, ứng xử dễ nhận thấy nhất.

Bất kỳ ai bước ra khỏi cửa nhà ra ngoài đường cũng dễ dàng nhận thấy những cảnh vứt rác bừa bãi, tùy tiện, những hành vi điều khiển phương tiện vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. Ở những nơi công cộng, là cảnh nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá ở những nơi cấm hút thuốc, thậm chí có nhiều hành vi thân mật quá mức cho phép của những cặp tình nhân bất chấp mọi người chung quanh. Trong trường học, là nhiều cảnh bảo mẫu, giáo viên có những việc làm phản giáo dục với trẻ em và học sinh. Ở nhà là cảnh người chồng, người cha nói tục, vũ phu thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, con. Trên mạng xã hội là cảnh "ném đá" hội đồng, những bình luận ác ý, vô căn cứ, v.v.

Trong suốt chiều dài mấy nghìn năm của dân tộc, cha ông chúng ta đã đúc kết nhiều bài học quý báu để dạy bảo con cháu như "Thương người như thể thương thân", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", "Ðói cho sạch, rách cho thơm", v.v. và đó chính là hành trang nằm lòng để các thế hệ tiếp nối vững bước vượt qua bao gian nan, thử thách thù trong, giặc ngoài, tạo nên những kỳ tích trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ðã là người Việt Nam, mấy ai không biết đến câu ca:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người

Tràng An

Câu ca dao tuy ngắn nhưng cũng đủ để lột tả được những gì cao quý, sâu lắng và hồn cốt của vùng đất Thủ đô văn hiến. Những nét văn hóa, thanh lịch ấy được chắt lọc qua hàng nghìn năm sinh sống, giao thoa giữa các nền văn hóa, giữa các thế hệ và giữa các tộc người. Vậy nhưng, trong thời kỳ có nhiều biến đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất, cách thức giao tiếp và truyền thông trong kỷ nguyên thông tin và thời đại số như hiện nay, nhiều thói hư, tật xấu, những hủ tục vẫn còn tồn tại, thậm chí sinh sôi, lấn lướt.

Có một đúc kết rất hay rằng "Gieo hành vi, gặt tính cách". Nếu những hành vi xấu không bị chê trách, phản đối, thì dần dần chủ thể của những hành vi ấy sẽ quen dần và nghiễm nhiên trở thành bản tính khó thay đổi. Những thái độ, việc làm xấu ấy cần phải bị lên án và phản đối để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ðó mới là cái đích cần nhắm đến trong hành trình xây dựng một đất nước giàu đẹp, có truyền thống văn hiến lâu đời để phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.