Nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác

Ủy ban Nhân dân phường Phú Hòa (Bình Dương) mới đây họp với công an và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Phòng, chống tội phạm (PCTP) đồng ý nguyện vọng nghỉ tham gia CLB này của anh Nguyễn Thanh Hải, "hiệp sĩ đường phố", đội phó Ðội Xung kích chống tội phạm.

Mô hình "hiệp sĩ đường phố" khởi nguồn từ chính phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) năm 1997. Là đầu mối các tuyến đường lớn đi TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai… nên Phú Hòa khi đó là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), nổi cộm là hoạt động trộm cắp, cướp giật. Từ khi Ðội Dân quân tự vệ vây bắt đối tượng cướp giật tại Phú Hòa ra đời, tình hình ANTT khu vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, Ðội Dân quân tự vệ Phú Hòa được nâng lên thành CLB PCTP. Theo đó, nhiều CLB PCTP khác cũng hình thành.

Vào năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quy chế hoạt động cho các CLB PCTP. Ðây là bước ngoặt, tạo cơ chế cho quần chúng nhân dân tham gia hoạt động PCTP. Trên cơ sở này, đến năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 34/2013/QÐ-UBND về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của CLB PCTP trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mở ra hành lang pháp lý giúp hoạt động này đi vào nền nếp.

CLB PCTP ở tỉnh Bình Dương trở thành mô hình tiên phong trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", góp phần quan trọng trong PCTP, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT ở địa phương. Theo thông tin tại lễ sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 34 vào cuối tháng 7-2019, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập CLB PCTP với 2.659 thành viên, trong đó 88/91 xã, phường, thị trấn có Ðội Xung kích chống tội phạm thuộc CLB PCTP với 1.355 thành viên.

Trong hoạt động PCTP tại tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Thanh Hải được đánh giá là thành viên tích cực, năng nổ, xông xáo, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn. Sau hơn 20 năm gắn bó với phong trào này, anh Hải cùng các bạn mình phối hợp, hỗ trợ công an phá hơn 3.600 vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm. Dù nghỉ tham gia CLB PCTP, anh Hải khẳng định vẫn tiếp tục bắt giữ quả tang tội phạm, hỗ trợ người dân…

Lý do anh Hải nộp đơn xin nghỉ là vì một số điều trong Quy chế ban hành kèm Quyết định số 34/2013/QÐ-UBND đến nay không phù hợp. Ðơn cử theo Quy chế, người thuộc CLB phường, xã nào thì hoạt động ở địa phương đó, khi truy đuổi đối tượng ra ngoài địa bàn phải thông báo ngay cho Ban Chủ nhiệm CLB PCTP để CLB báo cơ quan công an tổ chức phối hợp CLB tại địa bàn đó bắt giữ. Tuy nhiên, tội phạm sau khi gây án thường chạy sang địa bàn khác, anh Hải và các bạn phải liên tục truy đuổi, chưa kịp thời thông báo khi bắt khẩn cấp đối tượng. Thành thử, anh thường xuyên bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế.

Xây dựng Quy chế hoạt động của CLB PCTP là việc cần thiết để đưa mô hình này vào khuôn khổ pháp luật, tránh lạm quyền, bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia và người dân nói chung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối tượng tội phạm rất ranh ma khi gây mất ANTT ở các địa bàn giáp ranh để có thể dễ dàng né tránh lực lượng chức năng. Ðiều đó khiến Quy chế vô hình trung lại có điểm "trói tay" hội viên CLB PCTP, thiếu tính khả thi, cần sớm được điều chỉnh.

Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" là hình thức tập hợp, thu hút người dân phát huy quyền làm chủ trong PCTP, bảo đảm ANTT tại địa bàn. Sở dĩ phong trào phát huy hiệu quả là nhờ người dân hiểu trách nhiệm, lợi ích thiết thực khi tham gia giữ gìn ANTT, từ đó có ý thức tự nguyện, tự giác trong PCTP. Những động thái điều chỉnh kịp thời của cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết vướng mắc trong tâm tư thành viên CLB PCTP, động viên các "hiệp sĩ" cũng như mọi tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia bảo đảm ANTT, bảo vệ an ninh Tổ quốc.