Mừng và lo

Tuần qua có hai thông tin đáng chú ý liên quan hạt gạo Việt Nam tạo ra những luồng cảm xúc ngược nhau: mừng và lo. Mừng vì gạo Việt Nam tăng mạnh về giá trị, được nhiều khách hàng biết đến. Lo là làm sao ổn định, nâng tầm giá trị, chất lượng, thương hiệu.

Nhiều năm qua, gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vị trí nhất, nhì thế giới về sản lượng. Cũng nhiều năm qua, một thực tế được thừa nhận là giá trị hạt gạo chưa cao, chưa thu hút khách hàng, chưa mở rộng được thị trường. Nên thông tin mới đây từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là rất đáng mừng: trong 11 tháng năm 2020, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta là 5,74 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về sản lượng so cùng kỳ năm 2019 và tăng 10,4% về giá trị.

Theo đó, giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2020 đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2019. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên khoảng 498 USD/tấn, cao hơn so giá gạo 5% tấm của Thái-lan từ 15-20 USD/tấn. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh gồm: Phi-li-pin, đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 32,9% thị phần, tăng 8,4%; In-đô-nê-xi-a, tăng gấp 3,1 lần; Trung Quốc tăng 79,2% so 10 tháng cùng kỳ năm 2019.

Một thông tin khác lại khiến nhiều người không mấy vui, thậm chí lo lắng. Trong cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 tại Hội nghị Lúa gạo thế giới lần thứ 12 năm 2020 do tạp chí The Rice Trader, có trụ sở ở Mỹ, tổ chức theo hình thức trực tuyến, gạo ST25 đạt giải nhì. "Ngôi vương" được trao cho gạo Hom Mali của Thái-lan. Ðiều đáng nói, cũng tại cuộc thi này năm trước, diễn ra ở Ma-ni-la (Phi-li-pin) trong khuôn khổ Hội nghị Lúa gạo thế giới lần thứ 11, gạo ST25 đã vượt qua gạo của Thái-lan để giành giải nhất.

Ở các cuộc thi, người thua, kẻ thắng là bình thường. Nhưng câu chuyện gạo ST25 bị "tụt hạng" từ nhất xuống nhì được luận bàn sôi nổi. Sự kiện này ảnh hưởng không nhỏ hoạt động kinh doanh gạo. Một số doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược tiếp thị và bán gạo ST25 sang các thị trường khó tính buộc phải xây dựng lại kế hoạch. Có ý kiến cho rằng Việt Nam mất nhiều năm để giành vị trí gạo ngon nhất thế giới, việc quảng bá gạo Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nếu không đưa ST25 đi thi, vì ST25 luôn đứng vị trí gạo ngon nhất, mà không kèm theo danh xưng ngon nhì thế giới năm 2020…

Kết quả đáng tự hào về kim ngạch và giá gạo xuất khẩu của nước ta trong năm 2020 có được là nhờ chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, vươn lên tiếp cận các phân khúc thị trường cao cấp; cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp; gạo ST25 được công nhận "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019"; các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước, Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… được ký kết đặt ra yêu cầu với các doanh nghiệp rà soát sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường… Ðây cũng là những thuận lợi để thúc đẩy đà tăng của gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2021.

Tuy nhiên, việc giành vị trí á quân tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 cho thấy Việt Nam chưa tận dụng và phát huy lợi thế quán quân năm 2019. Một phần do khâu thủ tục chuyển giao bản quyền giống, Việt Nam chưa có chương trình đáng kể nào đưa hình ảnh gạo cao cấp Việt Nam, đi đầu là giống ST25, ra thế giới, giống ST25 chưa được canh tác đại trà…

Nhìn tổng thể, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu phát triển các giống lúa chất lượng cao, xây dựng chiến lược để quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng tầm gạo Việt Nam cả về giá trị chất lượng và vị trí xếp hạng trên thế giới.