Lắng nghe và hành động

Từ đầu tháng 6 này, cả nước bước vào Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em". Tháng hành động vì trẻ em năm nay truyền tải tới cộng đồng nhiều thông điệp có ý nghĩa như: Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em; Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em…

Nhiều năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tuyên truyền phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, vận động nguồn lực cho trẻ em được triển khai. Cùng với đó, Luật Trẻ em được sửa đổi bổ sung hoàn thiện hơn so các luật bảo vệ trẻ em ban hành trước đó. Gần đây, Quốc hội ban hành Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2017; tiếp đó ban hành Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan, trong đó có Luật Trẻ em năm 2016. Luật sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Dù thực thi nhiều hoạt động hướng tới trẻ em, xây dựng và từng bước hoàn thiện khung pháp lý liên quan trẻ em, song đến nay còn một bộ phận trẻ em chưa được bảo đảm quyền lợi, chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội, việc triển khai thực hiện quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều thách thức, còn có trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị bạo hành, xâm hại tình dục… Nguyên nhân của việc trên, theo nhiều chuyên gia, là do nhận thức xã hội về tôn trọng và đáp ứng các quyền của trẻ em chưa chuyển biến thật sự mạnh mẽ, sự quan tâm của xã hội, gia đình đối với trẻ em vẫn chủ yếu trên cơ sở nhân đạo và đạo lý, chưa dựa trên nhận thức về trách nhiệm pháp lý, còn khoảng cách giữa luật, các chế tài và thực tế cuộc sống.

Có thể dẫn không ít minh chứng về việc nhận thức xã hội về quyền trẻ em chưa đầy đủ. Gần đây, chúng ta từng bắt gặp chuyện trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục…, có những báo, đài đưa chi tiết thông tin nơi ở, trường lớp, hình ảnh nạn nhân. Với thông tin kiểu này, các em bị lộ nhân thân, tương lai các em có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Lại có những chương trình gameshow truyền hình khai thác quá mức trẻ em, có những bộ phim dán nhãn 18+ nhưng sử dụng diễn viên trẻ em ở độ tuổi 13… Ðó là những điều dễ thấy, dễ nhận biết là phạm luật.

Trên thực tế, còn không ít điều không dễ nhìn ra như việc phụ huynh ép trẻ em đi học các môn học, lĩnh vực, trường, lớp… mà các em không mong muốn, ép con em mình học giỏi bằng mọi giá; có phụ huynh tự hào khoe bảng điểm lên mạng khi con học tốt; bày tỏ thất vọng, đánh mắng con khi con học kém, thậm chí đưa thành tích "bết bát" của con lên mạng… Còn nhiều hành động tưởng chừng đơn giản, "không có gì ghê gớm" lại gây áp lực lớn với trẻ, thực chất là vi phạm Luật Trẻ em…

Việc phát động Tháng hành động vì trẻ em là hết sức cần thiết để các cấp, ngành, gia đình, xã hội ý thức hơn nữa, hiểu sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực thi quyền trẻ em. Và như Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định trong buổi lễ phát động mới đây tại Thanh Hóa, muốn chăm lo cho thế hệ mai sau tốt hơn, mọi tổ chức, đơn vị, đặc biệt là gia đình, nhà trường… hãy tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em nói, trao cho các em cơ hội thể hiện, bày tỏ ý kiến của mình.

Lắng nghe trẻ em để cùng hành động vì trẻ em, đó là trách nhiệm của mỗi người lớn!