Lạm dụng danh xưng, danh hiệu...

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây đăng tải thông tin một phụ nữ đắc cử chức vụ Phó Trưởng ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam. Đơn vị chủ quản của Ban này là Viện Công nghệ chống làm giả thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).

Câu chuyện có lẽ không gây chú ý nhiều đến vậy nếu như nhân vật nói trên không được giới thiệu kèm danh hiệu mỹ miều và có phần lạ tai: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018”. Danh hiệu này được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam và một công ty xuất nhập khẩu ô-tô trao cho chủ nhân của nó năm 2018 tại Ninh Bình, trong buổi lễ mang tên “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam lần thứ I”.

Tìm hiểu mới biết, tới đây, “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018”, cùng một số “nữ hoàng” khác như “Nữ hoàng thực phẩm”, “Nữ hoàng thương hiệu ngành thép”, “Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam”…, là khách mời tham dự chương trình Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 dự kiến diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị. Theo fanpage của Ban tổ chức, buổi lễ nhằm tìm kiếm và tôn vinh “Nữ hoàng giày da Việt Nam”, “Nữ hoàng thủy sản Việt Nam”, “Nữ hoàng khoáng sản Việt Nam”, “Nữ hoàng kim hoàn đá quý Việt Nam”...

Hàng loạt danh hiệu “xủng xoảng” khiến công chúng hoang mang, không hiểu chương trình này nhằm mục đích gì, tiêu chí ra sao? Riêng danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” không chỉ khiến dư luận bức xúc, cho đây là sự lắp ghép vô lối, tối nghĩa, có phần xúc phạm giá trị văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, mà cả cơ quan chức năng cũng bất ngờ. Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết đã rà soát và chưa hề cấp phép cho một cuộc thi nào như vậy, cũng không có danh hiệu “nữ hoàng văn hóa tâm linh”. Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, không có chương trình nào gọi là “Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” mà đơn vị này chỉ tiếp nhận giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty xuất nhập khẩu ô-tô Ngọc Minh (!?)…

Công nhận danh hiệu là điều cần thiết vừa để bảo tồn, phát huy các giá trị, vừa động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít tổ chức, hội nghề nghiệp ở nước ta phong danh hiệu, hoặc tự nhận, tự phong danh hiệu trong nhiều lĩnh vực không đúng chức năng, thẩm quyền. Việc một hiệp hội trao bằng khen cho ca sĩ, ghi là “giáo sư âm nhạc” trong khi ca sĩ đó chưa hề được phong học hàm giáo sư cách đây không lâu là minh chứng cụ thể.

Hiện tượng “loạn danh hiệu” gây nên hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Có người mất niềm tin khi danh hiệu ảo được tôn vinh, khi người sở hữu danh hiệu không thật sự có thành tích đáng trân trọng; lại không ít người ngộ nhận nên tìm kiếm, chạy theo những danh hiệu hão huyền; có danh hiệu thật bị quy kết là “hàng giả”… Câu chuyện mua - bán danh hiệu, kiếm tiền bằng việc trao danh hiệu, mượn danh hiệu để trục lợi… cũng xuất phát từ đây.

Mặt khác, phải thấy rằng, dường như đang có “dư địa” để hiện tượng lạm dụng, trục lợi danh xưng, danh hiệu phát tác. Đến nay, chúng ta chưa có quy định, chế tài cụ thể về việc phong tặng, trao tặng các danh hiệu nằm ngoài hệ thống danh hiệu trong Luật Thi đua khen thưởng. Nếu không sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, việc các cơ quan chức năng lúng túng, bị động khi xử lý, giải quyết hoàn toàn có thể xảy ra.