Hướng tới giá trị tích cực

Chủ tài khoản mang tên Thơ Nguyễn mới đây được cơ quan chức năng mời làm việc vì đăng video clip không phù hợp trên mạng xã hội TikTok và YouTube. Trong clip, cô gái này ôm búp bê, tay cầm sợi dây chuyền lắc qua lắc lại nói là để “xin vía học giỏi” cho trẻ em. Dù sau đó, Thơ Nguyễn có clip khác khẳng định muốn học giỏi chỉ có cách duy nhất là siêng học, song nhiều bậc phụ huynh cho rằng clip như vậy mang màu sắc mê tín dị đoan, ảnh hưởng tiêu cực nhận thức của trẻ em.

Thơ Nguyễn nổi tiếng trên mạng xã hội trong vai trò nhà sáng tạo nội dung YouTube vui nhộn hướng vào đối tượng trẻ em. Với các chủ đề đa dạng, từ học tập, làm việc đến vui chơi, giải trí, kênh YouTube của Thơ Nguyễn được khá đông bạn nhỏ và phụ huynh theo dõi. Theo thống kê gần đây, kênh YouTube Thơ Nguyễn là một trong bảy kênh có số người xem lớn ở Việt Nam, với 8,76 triệu lượt đăng ký theo dõi. 

Trên kênh này, có một số clip thú vị, được cộng đồng mạng chú ý. Tuy nhiên, Thơ Nguyễn cũng từng đăng tải những clip vô bổ như tạo bồn tắm từ thạch rau câu, hay bị đánh giá là nguy hiểm nếu trẻ em bắt chước, làm theo như clip bỏ đá khô vào chai kín, đun bia, nước ngọt trên bếp… Tới lần này, cơ quan chức năng yêu cầu TikTok và YouTube chặn, gỡ các clip có dấu hiệu vi phạm, đồng thời mời chủ kênh này lên làm việc.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, không khó để tạo ra một video clip, đăng tải trên mạng xã hội. Khi các kênh đạt số lượng người xem, thời lượng xem nhất định để bật tính năng kiếm tiền, những người đăng tải các nội dung này lên trang mạng xã hội có thể nhận được tiền chia sẻ quảng cáo từ các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Số lượt truy cập càng cao, tiền nhận về càng lớn. 

Bởi vậy, bên cạnh clip có nội dung bổ ích, lành mạnh, giàu ý tưởng sáng tạo…, xuất hiện không ít clip có nội dung nhảm nhí, giật gân, câu khách. Càng những clip độc, lạ, sốc, giật gân, càng kích thích trí tò mò, sự hiếu kỳ của người xem. Càng nhiều người xem, chủ trang mạng càng thu nhiều lợi nhuận, và khi có lợi nhuận, chủ các trang mạng đó lại nghĩ ra chiêu trò để tiếp tục thu hút người xem. 

Những năm qua, nhiều chế tài xử lý được ban hành, cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, cộng đồng lập tức lên tiếng phê phán khi phát hiện hình ảnh, clip sai trái, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Đã có không ít YouTuber bị nhắc nhở, xử phạt do vi phạm. Trong vụ việc vừa qua, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng với Thơ Nguyễn vì cung cấp, chia sẻ thông tin, cổ xúy mê tín dị đoan... Tuy nhiên, việc cung cấp, tiếp nhận thông tin, nội dung trên mạng đặt ra nhiều thách thức đối với xã hội và các nhà quản lý. 

Còn không ít các chủ trang mạng tiếp tục công bố những video clip phản cảm, độc hại, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín dị đoan, kích động bạo lực. Để né án phạt, có chủ kênh tìm cách lách luật. Và thế là clip mang nội dung độc hại lan tràn trên mạng ảo để lại hậu quả khôn lường. Đặc biệt khi các bậc phụ huynh bỏ qua việc theo dõi, giám sát, những clip như vậy gây nguy hại tới trẻ em, vốn chưa đủ nhận thức, kỹ năng sống. Chưa kể, trong số khán giả là người lớn, không phải ai cũng lọc được nội dung phù hợp từ mạng xã hội...

Để hạn chế nội dung không phù hợp, bên cạnh sự phối hợp hành động của cơ quan chức năng và nhà điều hành, quản lý mạng xã hội trong việc đặt ra quy định, chế tài nghiêm khắc, chặt chẽ hơn, những người cung cấp nội dung lên mạng xã hội cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, hướng người tiếp nhận tới giá trị tốt đẹp, nhân văn. Cùng đó, chính công dân mạng cũng phải chủ động chọn lọc, lựa chọn thông tin trên tinh thần ấy, kiên quyết loại bỏ, báo cáo (report) nội dung thiếu chuẩn mực. Sự chung tay, đồng lòng sẽ góp phần tạo ra môi trường an toàn trên mạng xã hội.