“Cú huých” cho gạo Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bảy tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, giá gạo Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm nước xuất gạo lớn như Thái-lan, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và Mi-an-ma…

Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và giữ vững mức giá cao. Vào trung tuần tháng 8, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở 493 - 497 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái-lan giao dịch mức 473 - 477 USD/tấn; Ấn Độ từ 378 - 382 USD/tấn; Pa-ki-xtan từ 423 - 427 USD/tấn... Với mức này, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá cao hơn gạo cùng loại của nhóm nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái-lan, Ấn Độ, Pa-ki-xtan…

Không riêng gì gạo 5% tấm, các loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam cũng có giá cao. Bình quân bảy tháng năm 2020, giá gạo xuất khẩu đạt 487,6 USD/ tấn, tăng 13% so bình quân cùng kỳ năm ngoái. Các nước chiếm thị phần xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam lâu nay là Phi-li-pin, Xê-nê-gan, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc… đều tăng khối lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Với thị trường Phi-li-pin, trong bảy tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn, đạt giá trị 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và 30,5% về giá trị so cùng kỳ năm trước.

Giới chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu gạo Việt Nam có mức giá “ngang ngửa” gạo Thái-lan, thậm chí còn tạo ra chênh lệch giá lớn ở loại gạo 5% tấm với mức 20 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng, cùng lúc kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tới các thị trường cũng tăng so cùng kỳ năm trước là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng. Có thể chú ý các yếu tố như: chất lượng gạo Việt Nam được nâng cao, một số chủng loại gạo của Việt Nam như ST24, ST25… được công nhận là gạo ngon nhất thế giới; hiệu ứng “hữu xạ tự nhiên hương” từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA), theo đó, gạo thơm Việt Nam nhập khẩu vào EU, một thị trường “khó tính”, được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm; dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước tăng cao trong khi Việt Nam sẵn nguồn cung và logistics được cải thiện…

Những yếu tố đó tạo nên “cú huých” để Việt Nam có thể hướng đến việc trở lại với ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế tồn tại lâu nay là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là gạo thơm, chưa tương xứng chất lượng và giá trị thật của hạt gạo. Từ lâu, giá gạo thơm Thái-lan đạt mức 1.200 - 1.300 USD/tấn, trong khi gạo thơm Việt Nam vẫn chưa đạt mức 1.000 USD/tấn. Nhiều thông tin cũng cho thấy giá gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam tăng nhưng chưa thật sự bền vững.

Do đó, trong bối cảnh toàn cầu đang căng mình đối phó đại dịch Covid-19, bên cạnh việc phát huy lợi thế từ “cú huých”, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan cần triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, nghiên cứu giống gạo mới, tăng phẩm cấp, chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. 

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị hữu quan phải tiếp tục củng cố thị trường xuất khẩu trọng điểm, mở rộng thị trường mới; gắn sản xuất với tiêu thụ, chia sẻ lợi nhuận công bằng cho các khâu trong chuỗi giá trị; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xuất khẩu… Có như vậy, gạo Việt Nam mới sớm tạo dựng vị thế trên thị trường thế giới, tăng trưởng xuất khẩu gạo mới thật sự bền vững.