Chống hàng giả, hàng nhái

Theo thông tin từ Triển lãm ảnh Thành tựu và kết quả 12 năm triển khai chương trình phòng, chống hàng giả, hàng nhái diễn ra mới đây tại Hà Nội, trong hơn mười tháng năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm liên quan hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng; riêng về xâm phạm quyền SHTT, đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng…

Những con số tăng theo thời gian cho thấy sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng nhưng mặt khác lại chứng tỏ cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, gian lận xuất xứ, vi phạm quyền SHTT ngày một phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ở nhiều địa phương, từ vùng sâu, vùng xa đến thành phố lớn; len lỏi nhiều phân khúc thị trường, từ vỉa hè, cửa hàng nhỏ, đến trung tâm thương mại; nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, quần áo, mỹ phẩm…

Đã xuất hiện xu hướng tinh vi hơn trong sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Đại diện Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường cho biết, hình thành những đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối sản xuất bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được gia công bán thành phẩm ở một nơi, sau đó chuyển nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; sau khi có đơn đặt hàng sản phẩm sẽ được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ và giao cho khách hàng, tránh phải lưu kho… Có không ít doanh nghiệp do tâm lý ngại va chạm, sợ “chờ được vạ thì má đã sưng” nên dù phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả vẫn không dám lên tiếng.

Nguy hại hơn, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thông qua internet, mạng xã hội ngày một phổ biến. Kèm những thuận lợi do công nghệ mang lại, thương mại điện tử cũng mang lại rủi ro khi đối tượng gian lận giới thiệu sản phẩm thật nhưng khi bán lại giao sản phẩm giả mạo thương hiệu, không rõ xuất xứ; bán hàng ở Việt Nam nhưng server đặt tại nước ngoài… Hàng giả dù lưu thông trên thị trường truyền thống hay qua internet đều gây thiệt hại lớn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển lành mạnh của thị trường, làm mất an ninh, trật tự xã hội, gây tâm lý hoang mang.

Thực tế nói trên cho thấy, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái… cần sự tham gia quyết liệt hơn nữa của nhiều lực lượng. Cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh, tự bảo vệ thương hiệu, chủ động tố giác hành vi vi phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về quyền SHTT, về xuất xứ hàng hóa, tự trang bị kỹ năng nhận biết hàng hóa, sản phẩm, hiểu biết quy định của pháp luật để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái phát triển.

Hiện tại, các vụ xử lý về xâm phạm quyền SHTT vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn ít, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Để cuộc đấu tranh và ngăn ngừa hàng giả, vi phạm SHTT đạt hiệu quả, cơ quan lập pháp cũng như các cơ quan liên quan cần chú trọng bổ sung hàng rào pháp lý về hàng hóa trên thị trường cũng như trên sàn thương mại điện tử, có chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với các đối tượng sản xuất, lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng nhái.