Bức ảnh và “bệnh thành tích”

Kết thúc năm học 2019 - 2020, một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội và báo điện tử, nhận nhiều bình luận, đánh giá khác nhau. Bức ảnh mô tả cảnh tại lớp học cấp tiểu học, giữa một “rừng học sinh” giơ cao giấy khen cuối năm, có duy nhất một cậu bé bàn đầu ngồi lặng lẽ, có lẽ vì không được sở hữu tấm giấy khen cho bằng bạn bằng bè.

Tính xác thực của bức ảnh chưa được khẳng định. Dù vậy, nó lan truyền mạnh mẽ và gây xôn xao dư luận. Nhiều người động lòng trước vẻ lạc lõng của em học sinh không được nhận giấy khen. Có người cực đoan và võ đoán khi cho rằng, chưa chắc những cô bé, cậu bé có giấy khen kia sau này trên đường đời thành công bằng cậu bé không có giấy khen. Lại cũng có người quay ra chỉ trích phương pháp sư phạm, về lương tâm nhà giáo… của thầy giáo hay cô giáo chịu trách nhiệm quản lý lớp đó khi tạo ra sự so sánh giữa các học trò…

Việc nhà trường, các cơ sở giáo dục vinh danh học sinh bằng giấy khen và phần thưởng là chuyện bình thường. Tấm giấy khen công nhận nỗ lực của chính học sinh trong suốt một năm học, vì vậy đây vừa là niềm hãnh diện của học sinh, gia đình học sinh, vừa là niềm tự hào của thầy, cô giáo, nhà trường. Những học sinh học tập chưa tốt, hẳn nhiên, không thể có giấy khen. Hoạt động khen thưởng cũng được quy định rõ trong thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, phải thấy rõ là chuyện khen thưởng học sinh thời gian qua còn bất cập. Thực tế là số học sinh tiếp thu bài tốt, học giỏi, học xuất sắc thật sự ngày nay là không ít nhưng khó có thể chiếm phần lớn trong một lớp, một trường. Có những em học chậm, học yếu, song khi tổng kết năm học được xếp loại cao, được nhận giấy khen. Học sinh xếp loại trung bình trong các trường học chiếm số lượng rất nhỏ.

Lý do của tình trạng “khen thưởng đại trà” này, được các chuyên gia giáo dục nhận định, chủ yếu bắt nguồn từ việc cả nhà trường, giáo viên, và phụ huynh đều muốn có thành tích. Nhà trường có bảng “tổng kết đẹp” để đưa vào báo cáo khẳng định đã hoàn thành chỉ tiêu, giáo viên có nhiều học sinh giỏi, học sinh xuất sắc càng nâng cao uy tín, phụ huynh có con nhận danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc có niềm vui để chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Hệ lụy của việc này là khi học lên lớp mới, cấp mới, nhiều học sinh không nắm được kiến thức cơ bản, chủ quan trong học tập, không ít em học sinh không còn động lực để học tập, xem thường chuyện học; nhiều phụ huynh ngộ nhận về trình độ, kiến thức của con em mình. Nguy hại hơn, nếu việc khen thưởng tràn lan tiếp diễn, nếu bệnh thành tích, hình thức có “đất dụng võ”,  khả năng những “sản phẩm lỗi” ở cuối quy trình hoàn toàn có thể được tạo ra.

Bởi thế, từ bức ảnh nêu trên, có thể thấy một vấn đề được nói tới từ nhiều năm nay vẫn tồn tại. Đó là bệnh thành tích, bệnh hình thức trong giáo dục và đào tạo. Muốn ngăn chặn bệnh thành tích, ngành giáo dục không nên áp chỉ tiêu cứng nhắc mà cần nhìn nhận thực tế ở từng địa phương để đưa ra chỉ tiêu phù hợp; nhà trường cần hướng giáo viên, học sinh tới việc dạy thật, học thật; thầy giáo, cô giáo phải công tâm, khách quan trong đánh giá thực chất khả năng, trình độ học sinh; phụ huynh động viên con cái học để hiểu biết, tích lũy kiến thức, tránh gây áp lực về điểm số, về thành tích với con em mình, với giáo viên…

Thay vì chỉ thương cảm với cậu học trò trong bức ảnh hay quy hết lỗi cho giáo viên quản lý lớp học đó, điều cần thiết là các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà trường, cơ quan quản lý về giáo dục và đào tạo và toàn xã hội cùng ý thức, chung tay ngăn chặn triệt để bệnh thành tích, bệnh hình thức. Nhìn rộng ra là tôn vinh những giá trị tốt đẹp chân chính.