Bình tĩnh, tự tin vượt qua “bão dịch”

Tới tuần này, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) vẫn diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận có hơn 80 nghìn ca nhiễm tại 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng nói, một số quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Á có sự gia tăng ca nhiễm và đã phát hiện trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng.

Tại Việt Nam, cùng việc tích cực điều trị các ca nhiễm, ngành y tế theo dõi, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, quản lý, cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú và theo dõi sức khỏe của người nước ngoài và người Việt Nam từ vùng dịch về nước, thực hiện khoanh vùng dập dịch. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp giám sát, cách ly trường hợp nghi ngờ, xác minh thông tin liên quan phòng, chống dịch, cho học sinh nghỉ học, khử khuẩn cơ sở y tế, trường học, trụ sở làm việc, khu dân cư…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay có 16/16 trường hợp được điều trị khỏi đã ra viện. Nước ta ghi nhận chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong; kể từ ngày 13-2 đến giữa tuần này, không có trường hợp mắc mới. Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, dù chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng bệnh do Covid-19, nhưng Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm chữa khỏi bệnh do Covid-19 bằng các phương pháp điều trị…

Có thể thấy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nước ta kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch bệnh. Quyết tâm và hành động của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân đã mang đến thành công bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ lây lan cùng các ca nhiễm, tử vong do dịch bệnh tăng nhanh ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt ở cả những nước có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng gây ra hoang mang, lo ngại trong cộng đồng. Nếu như ở người dân là nỗi lo liên quan sức khỏe, an toàn tính mạng thì ở các doanh nghiệp còn là nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây dự báo, những ngành ảnh hưởng trực tiếp do dịch gồm xuất - nhập khẩu, du lịch, vận tải. Những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp gồm sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp như: sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp điện - điện tử, da giày, dệt may; thương mại nội địa; đầu tư; thu chi ngân sách; phát triển doanh nghiệp...

Trong bối cảnh ấy, song song nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, Chính phủ, các cơ quan liên quan, địa phương… cần thông tin kịp thời để cộng đồng tránh chủ quan, nhưng cũng không lo sợ thái quá; ban hành, áp dụng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp phải bám sát thông tin từ cơ quan chức năng để chủ động sinh hoạt, làm việc, cũng như xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong thời gian dịch bệnh hoành hành, sớm đưa sinh hoạt, làm việc trở lại bình thường, phục hồi sản xuất khi dịch bệnh có dấu hiệu suy giảm.

Bình tĩnh, chủ động trong ứng phó diễn biến bất thường do dịch bệnh gây ra là những yếu tố quan trọng góp phần giúp mọi ngành, mọi lĩnh vực và cả cộng đồng có thể tự tin vượt qua “bão dịch”.