Bình ổn giá, không chỉ ở cung - cầu

Lâu nay, việc các mặt hàng thiết yếu tăng giá dịp cuối năm luôn là “nỗi ám ảnh” đối với người tiêu dùng. Vài năm trở lại đây, giá cả thị trường tương đối ổn định, song bình ổn giá vẫn là nhiệm vụ được các cơ quan, ban, ngành liên quan chú trọng.

Theo Bộ Công thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất ba năm gần đây. Loại trừ yếu tố bất thường như thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới…, đã có căn cứ để xác định CPI bình quân dự kiến năm 2019 tăng khoảng 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong quý IV-2019, CPI các tháng tăng so tháng trước đó, tháng 10 tăng 0,59%, tháng 11 tăng 0,96%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm, giá thịt lợn và thực phẩm từ thịt lợn tăng cao; giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11; giá dịch vụ y tế tăng theo mức lương cơ sở mới; một số địa phương tăng học phí theo lộ trình…

Diễn biến CPI năm nay tương đối sát dự báo và nằm trong kịch bản tăng thấp, nguyên nhân tăng CPI dịp cuối năm cũng đã được xác định. Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ gần đây, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo cụ thể với các vấn đề nổi cộm, trong đó lưu ý cơ quan hữu quan phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá, đặc biệt đối với giá thịt lợn. Vào giữa tháng 10, Bộ Công thương cũng ra Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020…

Theo quy luật, vào dịp Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng tương đối cao, làm tăng CPI, tăng lạm phát, dễ gây bất ổn. Do vậy, điều quan trọng là tránh chủ quan. Với mặt hàng thịt lợn, năm nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không kịp tái đàn ở các vùng dịch khiến thiếu nguồn cung. Hai tháng cuối năm 2019 và tháng 1-2020, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, cả nước thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Để đáp ứng thị trường trong nước, bình ổn giá, tránh mất cân đối cung - cầu, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch nhập khẩu thịt lợn, ưu tiên các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với Việt Nam.

Tuy nhiên, tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam thường thích thịt tươi sống hơn là thịt đông lạnh, vì thế, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng lưu ý, cần quan tâm thị hiếu tiêu dùng để tránh nhập khẩu ồ ạt làm dư cung, trong khi lại không kéo giảm được giá thịt lợn tươi sống. Tương tự, với các mặt hàng thiết yếu khác như gạo, thịt trâu, bò, gia cầm, thủy sản tươi và đông lạnh, rau củ quả, bánh kẹo, nhiên liệu… cũng cần xác định nhu cầu thật, nắm bắt xu hướng tiêu dùng về số lượng, chất lượng, chủng loại…, hạn chế hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu.

Cùng với cân đối cung - cầu, các cơ quan chức năng cũng cần chú trọng điều phối hàng hoá lưu thông trên thị trường, tránh gián đoạn nguồn hàng hoặc thiếu hụt cục bộ; kiểm soát chặt nhằm hạn chế hiện tượng tư thương đầu cơ, găm hàng để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường về công tác giá cả, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; bảo đảm xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa; áp dụng chế tài nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm…

Việc Chính phủ tập trung chỉ đạo để ổn định thị trường, kiểm soát giá cả, lạm phát, trong đó có CPI; việc các cơ quan, ban ngành chức năng nỗ lực bình ổn thị trường là cần thiết. Để thực hiện nhiệm vụ đó, cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương các cấp phải có sự liên kết, liên thông, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ.