Áp lực của cộng đồng

Mạng xã hội, báo chí mới đây chia sẻ clip một cô gái trẻ, được cho là chủ cửa hàng quần áo tại Đông Hà (Quảng Trị), quát tháo, hành hung một nữ nhân viên môi trường. Dù có người can ngăn, cô gái vẫn hùng hổ chỉ tay vào mặt, đánh vào đầu nữ nhân viên kia. Trong khi đó, nữ nhân viên môi trường, người đang làm việc trong cái nóng hơn 40 độ C, hầu như “thúc thủ”.

Clip nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều ý kiến lên án hành động của cô gái. Sau khi báo chí trích dẫn lời nữ nhân viên môi trường cho hay, chị bị đánh vì nhắc nhở chủ cửa hàng bỏ rác vào túi thay vì vứt bừa bãi ra đường, dư luận càng phản đối dữ dội. Cô gái trẻ sau đó tuyên bố rằng không vô cớ hành động như vậy nhưng cuối cùng đã phải đóng trang Facebook cá nhân, đóng cửa hàng… Cho dù nguồn cơn sự việc như thế nào thì hành vi của cô gái trẻ này là phản cảm, không thể chấp nhận. Chưa kể việc cô còn lên mạng bày tỏ thái độ thách thức dư luận. Với những gì diễn ra, chiểu theo các nghị định của Chính phủ, cô gái này đáng bị xử lý hành chính về việc vi phạm trật tự công cộng và vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cách thức phản ứng của dư luận cũng là điều đáng bàn. Có không ít ý kiến kêu gọi tẩy chay cửa hàng quần áo mà cô gái kia làm chủ, thậm chí “xui” mọi người mang rác, chất bẩn đến ném vào cửa hàng nói trên. Lại có người hô hào “anh chị em xã hội” đến “xử lý” chủ cửa hàng… Việc này gợi nhớ chuyện ở Long An cách đây không lâu. Khi thấy thông tin chủ quán cơm ở huyện Bến Lức đánh khách hàng khi bị phàn nàn, cho rằng quán “chặt chém”, một nhóm thanh niên đã lên mạng xã hội kêu gọi mọi người đập phá quán cơm đó “cho bõ ghét”. Quán cơm sau đó đã bị đập phá tan tành. Công an huyện Bến Lức, Long An mới đây đã khởi tố nhóm thanh niên trên để điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản…

Rõ ràng, đang tồn tại hiện tượng là khi một clip, một hình ảnh, hay sự việc “trái tai, gai mắt” nào đó được đăng tải lên mạng xã hội hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng, cộng đồng mạng thường lập tức “ném đá” không thương tiếc. Không chỉ dừng lại ở “cơn thịnh nộ trên bàn phím”, nhiều người còn kêu gọi nhau “tự xử lý” các đối tượng mà họ cho là vi phạm. Trong khi, không ít trường hợp chưa được kiểm chứng, chưa có kết luận. Nhìn trên góc độ xã hội, nếu duy trì cách hành xử cảm tính như vậy thì còn đâu kỷ cương, phép tắc!?

Suy cho cùng, thói quen “kết luận trước”, “tự xử” dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Bởi nếu công lý được thực thi chỉ dựa trên cảm xúc bột phát của một đám đông mất kiểm soát thì sẽ không còn chỗ cho sự công minh, thượng tôn pháp luật. Dung túng hành động quá khích, cực đoan, vi phạm pháp luật vô hình trung lại tạo cơ hội cho cái xấu có đất sống và phát triển.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận tính tích cực của dư luận xã hội. Nhờ áp lực của cộng đồng, sau một ngày gây ra vụ việc, cô gái trẻ đã tìm tới nhà nữ nhân viên môi trường để xin lỗi… Và cũng không phải cứ đám đông thì luôn quá khích, mất kiểm soát. Mới đây, liên quan việc một thanh niên lấy mũ bảo hiểm đánh người đi đường khi bị nhắc nhở về chuyện nẹt pô xe máy, cộng đồng mạng đã truy tìm danh tính, địa chỉ thanh niên trên. Một nhóm hỗ trợ cộng đồng kết nối, kêu gọi người làm sai đến tường trình tại Công an phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Kết cục là người có lỗi đã xin lỗi nạn nhân, hai bên bắt tay giảng hòa. Nhóm hỗ trợ cũng đề nghị cộng đồng bỏ qua cho người phạm lỗi…

Đây là cách hành xử văn minh, trong đó vai trò của các nhân vật liên quan trực tiếp, của chính quyền, của cộng đồng đều được coi trọng.