Vẫn còn nón Chuông...

Cụ bà Lê Thị Ngấn, gần 80 tuổi vẫn ngồi khâu nón.
Cụ bà Lê Thị Ngấn, gần 80 tuổi vẫn ngồi khâu nón.

Bây giờ, mấy ai còn đội nón. Chiếc nón mang lịch sử hàng ngàn năm, đẹp đấy, duyên dáng đấy nhưng lại bất tiện trong nhịp sống sôi động của xã hội hiện đại.

Những tưởng chiếc nón chỉ còn lại trong những áng văn chương, những câu thơ tuyệt tác hay cùng với tà áo dài góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa, trang phục của người phụ nữ Việt Nam.

Nhưng hình ảnh chiếc nón khổng lồ bất ngờ xuất hiện trong dịp hội nghị APEC vừa qua, bất chợt khơi gợi tiềm thức của nhiều người từ lâu không còn dùng nón.

Tôi - một người tò mò mong được gặp chủ nhân của chiếc nón khổng lồ đã tìm về làng Chuông, xã Phương Trung huyện Thanh Oai, Hà Tây trong một ngày cuối năm.

Chợ nón làng Chuông họp vào ngày mồng bốn và mùng mười hằng tháng. Vào phiên chính, cả một triền đê sông Ðáy náo nhiệt hẳn lên bởi người xe tấp nập, kẻ mua người bán. Từ đây, nón làng Chuông đi khắp mọi nẻo đường đất nước.

Chợ nón sôi động như bất kỳ phiên chợ nào khác nhưng chỉ buôn một thứ hàng duy nhất là nón và các vật liệu làm nón. Việc mua bán thường diễn ra chóng vánh bởi hàng đã quen cứ thế mà tìm. Nón đẹp thì ký hợp đồng hàng trăm, hàng nghìn cái. Chợ không bán bằng cân, bán nón từng xâu, từng sải tay, ước một dang tay chừng một trăm cái, không cần đếm, cứ thế mà khiêng, rồi trả tiền. Mua ít, tính bằng cữ (khoảng 15-20 chiếc).

Các vật liệu làm nón, bán bằng mớ bằng trăm, không kì kèo, bán được giá thậm chí người bán còn giảm giá cho người mua để lần sau còn tới mua tiếp. Người già đi chợ khẳng định, chợ nón làng Chuông tồn tại hơn 500 năm nay vốn đã vậy, bây giờ vẫn thế, chỉ có điều số lượng nón bán ra ngày càng nhiều, vẻ đẹp và sự tinh tế của chiếc nón cũng tăng theo thời gian và thẩm mỹ của con người.

Rời chợ, tôi tìm vào cơ sở sản xuất Hùng Vương, nơi nhận hợp đồng với Tổng cục Du lịch làm nón khổng lồ, chị Tạ Thu Hương, chủ cơ sở hào hứng: "Nón Chuông đã từng được cung tiến để hoàng hậu, công chúa dùng. Nón Chuông đi khắp mọi miền tổ quốc nhưng chưa bao giờ vinh dự ra mắt các nhà lãnh đạo kinh tế trên thế giới như dịp hội nghị APEC vừa qua".

Qua lời chị Hương kể để hoàn thành chiếc nón, trong mười lăm ngày, vợ chồng chị Hương cùng năm người có tay nghề vững miệt mài làm. Thông thường, chiếc nón lá có đường kính là 41 cm, cao 18 cm, nặng 0,12 kg, nhưng chiếc nón khổng lồ này phải dùng tới 10 cây nứa làm 62 vòng xương, 8 thanh khuôn và 12 múi. Một cây tre có chiều dài 15 mét dùng làm cạp có chu vi 13 mét. 100 cành lá tráng dài đẹp và 30 tờ giấy công nghiệp thay mo tre và ba nghìn mét cước.

Việc khâu nón được ví như lợp mái nhà. Một người ngồi bên trong và người đứng bên ngoài xe cước, luồn kim. Kỹ thuật phải chuẩn, sao cho lớp lá không bị phồng, rộp, méo mó. Với giá 4,2 triệu đồng, những người cao tuổi trong làng khẳng định chưa từng có chiếc nón nào đắt như thế.

Chị Hương kể: "Vài năm trở lại đây, khách du lịch nước ngoài, nhất là Nhật Bản tìm tới mua áo tơi. Ban đầu, tôi tưởng mình nghe nhầm. Nghe họ quyết tâm mua, vợ chồng tôi lặn lội đi khắp nơi tìm hỏi các nghệ nhân cách làm áo tơi truyền thống. Tuy làm áo tơi đơn giản nhưng cần đúng kỹ thuật". Bắt kịp với xu thế thời đại, người dân làng Chuông không chỉ làm những chiếc nón đội đầu mà còn sáng tạo nhiều mặt hàng thủ công làm quà lưu niệm như các loại nón chùm kích thước bé nhất có đường kính hai xăng-ti-mét tới những chiếc nón đường kính to dùng trưng bày, áo tơi, các loại nón Hồng Công phục vụ trong phim ảnh... Chính những mặt hàng này đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Năm 2001, cái mốc quan trọng đánh dấu việc nón làng Chuông xuất ngoại khi khách sạn Liên Hoa, Hà Nội đặt ông Phạm Văn Canh hai chiếc nón quai thao và anh Nguyễn Văn Tuy một chiếc nón lá trắng, đường kính hai mét mang dự Hội chợ hàng thủ công, mỹ nghệ truyền thống tại Praha (Cộng hòa Séc) và Berlin (Ðức).

Ông Trần Văn Canh, người có công phục chế nón cổ làng Chuông và cũng là người duy nhất trong làng còn làm các loại nón cổ. Vốn là cựu chiến binh, ông Canh còn duy nhất một chân nhưng hai tuần lễ, ông treo người lên trần nhà đánh vật với từng đường kim, mũi chỉ. Vợ con chứng kiến cảnh ấy xót ruột, khuyên ngăn nhưng ông không chịu. Ông muốn, chiếc nón của làng mình được bàn bè quốc tế biết đến.

Sau khi ba chiếc nón hoàn thành, tiếng lành đồn xa, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hãng phim, khách du lịch nước ngoài tìm tới làng Chuông ngày càng nhiều. Có ngày, gia đình ông Canh, tiếp tới vài chục du khách nước ngoài, khi về đều mua một chiếc nón cổ làm kỷ niệm. Các nhà báo từ Nhật Bản, Mỹ tìm gặp ông nói chuyện, viết bài. Cứ thế hình ảnh nón Chuông được quảng bá trên toàn thế giới. Ngoài bốn loại nón quai thao cổ, ông còn sáng tạo ra nhiều kiểu

nón khác nhau như nón lòng chảo, nón Hồng Công, nón Thái, nón Chóp dứa. Bước sang tuổi 80 nhưng ông Canh vẫn ngày ngày miệt mài cùng vợ ngồi khâu nón. Ðơn đặt hàng ngày càng nhiều, gia đình ông làm không hết việc. Ai tìm tới ông học nghề, ông đều nhiệt tình truyền dạy, ông không muốn nghề làm nón cổ bị thất truyền cho dù làm nón cổ tốn công sức và đòi hỏi trình độ tay nghề cao.

Xã Phương Trung là một vùng thuần nông, đất chật người đông. Nghề nón muôn đời chỉ được coi là nghề phụ. Nhưng người dân nơi đây đều hiểu rằng nhờ những chiếc nón giản dị ấy mà xóm làng được thay da, đổi thịt. Nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều gia đình nuôi 2,3 con ăn học đại học, dựng vợ gả chồng cũng nhờ chiếc nón. Cụ Ngấn, mẹ anh Tuy, năm nay 78 tuổi, mắt mờ, tay run nhưng vẫn xỏ kim và khâu nón thoăn thoắt. Cụ bảo: "70 năm khâu nón rồi, xâu kim không cần nhìn vào cây kim, sợi cước. Các cụ xưa bảo chẳng ai làm giàu được từ nghề nón nhưng gia đình tôi lại sống được nhờ nón. Nhà tôi mất sớm, để lại bảy con thơ. Hồi trẻ, mỗi ngày tôi khâu được 4-5 chiếc nón nuôi các con trưởng thành, bây giờ chúng đều khâu nón giỏi, làm giàu được từ nón".

Người khâu nón đẹp nức tiếng một vùng chính là cậu con út của cụ Ngấn, anh Tuy. Gia đình anh là đầu mối thu gom hàng trong làng và các vùng lân cận đi khắp đất nước. Một chiếc nón giá thấp nhất khoảng hai nghìn rưởi nhưng anh Tuy nhận rất nhiều đơn đặt hàng trị giá năm chục nghìn một chiếc. Chị Huệ, vợ anh Tuy cho biết những mẫu nón trong toàn xã hiện đang làm đều do bàn tay anh chị sáng tạo nên. Tháng cao điểm, vợ chồng gia đình anh xuất khoảng 10 vạn chiếc nón. "Buôn có bạn, bán có phường", trước đây, tự sản tự tiêu, dân Chuông khâu nón bán nhỏ lẻ nhưng hiện nay trong xã, những cơ sở làm ăn phát đạt tập trung vào "Hội hàng nón". Chị Hòa, chủ tịch Hội cho biết: "Tuy mới thành lập nhưng đã thu hút trên 20 hộ chuyên thu gom hàng xuất đi các nơi. Mọi người vào trong hội nhằm bảo ban nhau giữ nghề cha ông, chỉ cho nhau mối làm ăn, phát triển hội viên. Khi có chuyện vui buồn, hội viên tìm tới nhau động viên, chia sẻ kịp thời".

Không ồn ào, dễ nhận biết như nhiều làng nghề khác, nghề làm nón ở làng Chuông hàng nghìn năm nay tồn tại bền bỉ và lặng lẽ trước những thăng trầm của lịch sử. Những người dân làng Chuông tôi gặp đều mang trong mình sự tự tin hiếm có về tương lai của làng nghề. Họ quả quyết, còn tà áo dài Việt Nam, là còn nón làng Chuông. Và tôi, một kẻ ngoại đạo bỗng một ngày tìm về nơi đây, ngộ ra một điều, chiếc nón lá thân thương bình dị của dân tộc sẽ không bao giờ mất nhờ bàn tay tài hoa và lòng nhiệt huyết của những con người bình dị nơi đây.