100 năm phong trào Đông du:

Nhìn lại một di sản

Cụ Phan Bội Châu.
Cụ Phan Bội Châu.

Tư tưởng "vọng ngoại" từ góc nhìn khách quan hơn

Từ một thế kỷ sau nhìn lại, trong bối cảnh đổi mới của đất nước hôm nay, có một điểm quan trọng trong tư tưởng của Phan Bội Châu đã được phân tích đánh giá khách quan, đúng đắn hơn. Đó là tư tưởng "vọng ngoại" trong chiến lược cứu nước của cụ Phan.

Nhưng dưới góc độ của khoa học lịch sử hôm nay, tư tưởng "vọng ngoại" của cụ Phan được xem là một quá trình, có sự chuyển biến từ "cầu viện" sang "cầu học", có sự kết nối giữa bạo động và duy tân.

"Về bản chất, tư tưởng "vọng ngoại" của Phan Bội Châu là một hình thức thể hiện của chủ nghĩa yêu nước chân chính và của tư tưởng duy tân, tự cường - vốn là hai bệ đỡ tư tưởng chủ yếu của toàn bộ cuộc vận động cứu nước đầu thế kỷ 20 do các nhà Nho cấp tiến lãnh đạo.

Cụ Phan chủ trương "bạo động" và "vọng ngoại", nhưng luôn luôn không ngừng cổ vũ cho phong trào Duy Tân. Do đó, tư tưởng "vọng ngoại" của Cụ không những không mâu thuẫn với tư tưởng duy tân, mà ngược lại, chính là một nội dung của cuộc vận động duy tân, tự cường dân tộc lúc đó.

Từ đây, các nhà khoa học cũng lý giải sự khác nhau tưởng như là xung đột giữa tư tưởng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

"Điểm khác nhau căn bản giữa hai cụ Phan không phải ở động cơ hay cái đích cuối cùng phải đi tới, mà chỉ ở biện pháp thực hiện để đạt tới mục đích giải phóng dân tộc" (GS Đinh Xuân Lâm). Đây là một vấn đề còn cần được đi sâu tìm hiểu và phân tích để đưa lại cái nhìn toàn diện hơn về một nhân vật lịch sử lớn như Phan Bội Châu.

Di sản văn hóa Đông du để lại gì?

Mục đích của phong trào Đông du là tìm đường cứu nước. Nhưng trong quá trình diễn biến của phong trào, Đông du đã tạo ra một cuộc tiếp xúc mới giữa Việt Nam với văn hóa Đông Á.

Nhật Bản vốn cũng là nước "đồng văn đồng chủng" như Việt Nam, vậy mà họ biết cách phát triển thành một quốc gia hùng mạnh, đương đầu được với các đế quốc phương Tây. Bài học đó cần phải học, như chính Phan Bội Châu đã viết: "Lúc bấy giờ tôi rất thán phục chính trị của một cường quốc và trình độ dân nước họ".

Về trình độ dân trí và văn hóa ứng xử của người dân Nhật Bản, cụ Phan đã kể lại hai mẩu chuyện khó quên. Chuyện thứ nhất là về người phu xe. Người phu xe này kéo xe chở Phan đến một khách sạn tìm một người Trung Hoa nhưng đến nơi thì người đó đã chuyển chỗ, không để lại địa chỉ, nhưng anh ta bảo Phan cứ đứng đợi để anh ta đi tìm người đó giúp. Sau ba giờ anh ta đã tìm thấy nơi ở của người đó và chở Phan đến tận nơi để gặp người cần gặp. Phan đưa một đồng bạc trả công cho người phu xe. Nhưng anh ta từ chối, chỉ lấy hai mươi lăm xu, và nói: "Theo giá cả của Bộ Nội vụ định, giá xe từ chỗ kia đến đây chỉ hai mươi lăm xu, tôi chỉ lấy đúng như vậy. Vả lại, các ngài vì mến mộ nền văn minh Nhật Bản mà qua đây, chúng tôi rất hoan nghênh, chứ có phải vì tiền mà tận tụy với các ngài đâu". Cử chỉ và lời nói ấy của người phu xe Nhật Bản khiến Phan Bội Châu và những người cùng đi kinh ngạc, thán phục.

Chuyện thứ hai là người ân nhân của Phan và phong trào Đông du, ông Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang, đã giúp tiền cho các nhà yêu nước Việt Nam trong cơn túng quẫn. Khi phong trào Đông du tan vỡ, Phan Bội Châu phải rời khỏi Nhật Bản, mười năm sau quay lại tìm đến thăm ân nhân thì ông đã qua đời. Cụ Phan cảm kích viết một bài văn bia tưởng niệm Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang và nhờ dựng tại làng quê ông.

Bài văn bia viết (dịch từ chữ Hán): "Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn rõ là một người kỷ hiệp. Nay chúng tôi sang thì tiên sinh đã tạ thế, tứ bề hiu quạnh trông không thấy ai, trời biển mênh mông, lòng này ai tỏ, bèn ghi mối cảm nơi viên đá. Ghi rằng: Hào suốt xưa nay, nghĩa trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi. Thăm thẳm lòng này trải muôn ngàn đời".

Và năm 2003 tại quê hương Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang đã diễn ra lễ kỷ niệm 85 năm ngày dựng tấm bia kỷ niệm này. Chính quyền địa phương ở Nhật Bản đã mời vợ chồng ông Phan Thiệu Cơ, cháu nội Phan Bội Châu, sang tham dự.

Những bài học văn hóa như vậy rất có ý nghĩa đối với các thanh niên Việt Nam được Đông du. Cuộc đi này với họ là một "hành trình văn hóa".

"Việc hàng trăm con người từ một đất nước lạc hậu tối tăm được vượt trùng dương đi sang một cường quốc văn minh châu Á để biết thế nào là một đảo quốc, thế nào là "đồng chủng đồng văn", thế nào là một xã hội tiền tư bản, là những thu hoạch rất đáng ghi nhận" (Chu Trọng Huyến). Đến hôm nay những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong hoàn cảnh nước ta mở cửa hội nhập.

Đọng lại trong lòng mọi người hôm nay là hình ảnh Phan Bội Châu "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng" (Nguyễn Ái Quốc).

Kỷ niệm một trăm năm phong trào Đông du, nhân dịp này Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cũng đã cho ra mắt một loạt sách về Phan Bội Châu.