Tìm đâu bản sắc kiến trúc Việt ?

"Bản sắc của kiến trúc Việt Nam là gì? Công trình nào tiêu biểu cho bản sắc đó"? Những câu hỏi đã làm nóng kỳ họp mới đây bàn về Luật Kiến trúc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không chỉ các nhà lập pháp trăn trở, ngay chính giới kiến trúc sư cũng không dễ tìm ra câu trả lời. Trong khi đó, kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn của chúng ta đang thay đổi theo cách xa rời những gì đã từng được định vị là nét riêng có.

Trung tâm cộng đồng Làng Sen do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế.
Trung tâm cộng đồng Làng Sen do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế.

Ðô thị phát triển thiếu quy hoạch

"Bản sắc của kiến trúc Việt Nam là gì? Công trình nào tiêu biểu cho bản sắc đó"? Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, người đã tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Quy hoạch của Ðại học Xây dựng Hà Nội và nhiều thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng đặt ra câu hỏi này khi bàn về dự án Luật Kiến trúc.

Còn nhớ, Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ IX đã nêu rõ yêu cầu xây dựng bản sắc kiến trúc Việt Nam, nhưng đã qua 3 kỳ Ðại hội, chúng ta dường như vẫn chưa xác định được bản sắc kiến trúc; sự khác biệt giữa kiến trúc đô thị và nông thôn; tính thích nghi, phù hợp với các điều kiện khí hậu của Việt Nam. Ðể tạo ra được bản sắc - hay "cá tính" kiến trúc - cho đô thị và nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Luật Kiến trúc tới đây cần có những chế tài đủ mạnh, không để chủ đầu tư "thích làm gì thì làm, kỳ quặc tùy thích". Bởi vì, trong chừng mực nào đó, kiến trúc ngoại thất của một công trình không còn là việc của cá nhân chủ công trình nữa, mà là "tài sản" của cộng đồng.

Từ góc nhìn của một người trong nghề, được giới chuyên môn đánh giá cao qua các giải thưởng có uy tín cả trong nước và quốc tế, KTS Hoàng Thúc Hào (Văn phòng Kiến trúc 1=1>2), có lần chia sẻ, đi trên những phố mới với nhiều chung cư cao tầng, "đôi khi tôi thấy Hà Nội giông giống Bangkok, lại giông giống Kuala Lumpur, rồi lại giông giống Quảng Châu...". Phải chăng chúng ta làm đô thị cứ lung tung, manh mún, thiếu nhất quán! Một hình thái đô thị vừa tôn trọng hình thái tự nhiên cũ của Hà Nội, vừa kế thừa kiến trúc Pháp chưa được phát huy. Thay vào đó là nhà ống, nhà chia lô lổn nhổn, những chung cư hình hộp rập khuôn liên tiếp trồi lên, "ngoạm" đi những khoảng xanh, những không gian sinh hoạt cộng đồng đã đi vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ...

Là Thủ đô, được cả nước trông vào, nhưng kiến trúc Hà Nội cũng không tránh khỏi những bệnh này, dù rằng đâu đó vẫn còn phảng phất nét làng trong phố xen kẽ với hệ thống kiến trúc cổ như Hoàng thành, như đình, chùa, miếu mạo, đê sông Hồng; tất cả được khuôn lại trong một đô thị theo cấu trúc ô bàn cờ, với Hồ Gươm làm trung tâm.

Ðô thị cũ đã vậy, các đô thị mới cũng rất nhiều vấn đề. Một phố núi vùng cao Tây Bắc như Sa Pa khác với đô thị biển miền trung như Ðà Nẵng hay đô thị vườn Nam Bộ như Cần Thơ ra sao? Ðã không ít lần, và bây giờ vẫn vậy, mỗi ngày đều có những lời cảnh báo về tình trạng xây dựng lộn xộn tùy tiện, phá vỡ cảnh quan kiến trúc.

KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, điều đáng sợ ở đây là "sống lâu trong sự lộn xộn chúng ta sẽ hành xử lộn xộn chăng! Ðể thích ứng với nhà ống, hẻm lồi lõm, xe máy "rúc" vào cái nhà rất nhanh, lượn ở trong phố, trong hẻm ngoằn ngoèo rất nhanh. Cuộc sống từ đó cũng cứ bị chộp giật hóa, lộn xộn hóa: nhà ngoi lên một chút, ban công chồm ra một chút, vỉa hè bị lấn chiếm cũng "một chút".

Có thể đặt vấn đề ngược lại chăng, rằng chính lối tư duy lộn xộn đã khiến cho câu hỏi về bản sắc kiến trúc cứ treo lơ lửng dường như không được bận tâm suy nghĩ thấu đáo?! Một Hội đồng Kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập - chế định mới được đề xuất trong dự thảo Luật Kiến trúc vừa trình, với thành viên là các kiến trúc sư, các nhà văn hóa và chuyên gia trong nhiều ngành nghề có liên quan - có thể giúp tháo gỡ nhiều vấn đề, nhất là ngăn chặn được tình trạng tiếp tục phát triển bừa, ẩu ở những khu vực trọng yếu của đô thị, nhưng chắc chắn vẫn là chưa đủ, nếu chủ sở hữu từng công trình riêng lẻ không ý thức được điều này.

Nông thôn - bản sao vụng về của đô thị

Trong khi nhiều vùng nông thôn đang cố gắng giống với thành phố một cách vụng về, thì việc giữ lại kiến trúc truyền thống như nhà tường trình lợp mái gỗ, nhà sàn, nhà năm gian hai chái… trở nên không khả thi trong bối cảnh đất chật người đông và một bộ phận người dân nông thôn muốn nhanh chóng được tận hưởng những tiện ích như ở đô thị mà không bận tâm (hoặc không có điều kiện) để tìm được những giải pháp hợp lý, hài hòa về nhiều phương diện.

Ở đây có vai trò hết sức lớn của chính quyền trong việc xây dựng và bảo đảm một không gian sống tốt: môi trường "sạch", ít bụi, ít tiếng ồn, an ninh tốt; hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Trên cái nền vững chãi ấy, các kiến trúc sư sẽ phát huy vai trò của mình trong việc đưa ra quy hoạch xây dựng và gợi ý những mô hình tốt để các chủ công trình có thể áp dụng. Trong đó, yêu cầu giữ gìn văn hóa kiến trúc của các cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mường, Dao, Ê Ðê, Chăm... là hết sức quan trọng, nhưng cũng đầy thách thức. Chính vì thế mà các công trình kiến trúc ở Việt Nam hội tụ được yếu tố này được thế giới ghi nhận, tôn vinh.

Hoàng Thúc Hào, người vừa được Ðại hội Kiến trúc thế giới UIA lần thứ 26 (năm 2017) trao giải thưởng lớn Vassilis Sgoutas Prize ghi nhận những đóng góp to lớn trong sáng tạo kiến trúc cho người nghèo ở nông thôn và vùng núi Việt Nam kể: "Chúng tôi đã làm nhà cộng đồng trình tường cho người Dao ở Nậm Ðăm, Quản Bạ, Hà Giang để quảng bá du lịch. Ðiểm nhấn là mái vếch xiên hình cánh én, cảm hứng từ câu chuyện chim én thường làm tổ thân thiện ngay dưới mái nhà dân trong bản".

Trong khi đó, ở miệt vườn Long An, Trung tâm cộng đồng Làng Sen do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế với các vật liệu địa phương như tre, vọt... cũng vinh dự giành được Giải thưởng Kiến trúc xanh của Mỹ (Green Good Design Award 2017). Công trình có cấu trúc như chiếc ô đơn giản, bao gồm 28 khung kết cấu chịu lực bằng tre. Với tạo dáng hình cánh cung của mỗi khung tre, tập hợp các khung này tạo ra một không gian rộng lớn hình tròn với đường kính 22. Hội trường này được sử dụng cho các hoạt động khác nhau như các buổi tiệc, triển lãm và các hoạt động giải trí…

Nhưng đẹp và thân thiện với môi trường cũng vẫn chưa đủ. Ðời sống lâu bền của một công trình kiến trúc, nhất là kiến trúc cộng đồng, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan khác như sự hưởng ứng của cộng đồng, sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của địa phương và ngành văn hóa; những biến động kinh tế, xã hội của khu vực. Nhà cộng đồng Suổi Rè (Hòa Bình) của Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và cộng sự, một công trình từng đạt được nhiều giải thưởng kiến trúc có uy tín, sau một thời gian đông vui rộn rã, đến nay đang vắng lặng và có nguy cơ bị lãng quên, dù "cha đẻ" của nó vẫn đang đau đáu không yên…

Có thể thấy, trên thực tế, đâu đó đã thấp thoáng lời giải đáp cho câu hỏi "bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì". Dù rằng, để hoàn thiện và cụ thể hóa lời giải đáp đó còn cả một hành trình hết sức gian nan. Liệu Luật Kiến trúc, một khi được đi vào cuộc sống, có trở thành định hướng vững chắc để hành trình khẳng định và xây dựng bản sắc kiến trúc Việt Nam được thực hiện thuận lợi hơn?

Tìm đâu bản sắc kiến trúc Việt ? ảnh 1

Ðại học Tổng hợp Hà Nội trước kia là Viện Ðại học Ðông Dương, do kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard thiết kế năm 1926.

Kiến trúc là một ngành nghề "đứng ở ranh giới giữa khoa học - công nghệ - văn hóa nghệ thuật", nên khó có thể quản lý, áp đặt theo kiểu hành chính. Hơn nữa bản sắc kiến trúc lại là sản phẩm của cộng đồng, được hình thành qua nhiều thế hệ chứ không phải ngày một ngày hai là có được.