Xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu tại Đảng bộ Hà Nội

Đổi mới phương thức lãnh đạo, trong đó tập trung xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu, là nhiệm vụ, đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả Đảng bộ Hà Nội chọn để cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 05.

Cán bộ Cục Thuế TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: MINH HÀ
Cán bộ Cục Thuế TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: MINH HÀ

Đi vào việc mới, việc khó

Năm 2014, huyện Phúc Thọ là địa phương đầu tiên của Hà Nội tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, vào đầu năm, huyện tổ chức đối thoại với người dân để cán bộ lãnh đạo nắm bắt những vấn đề cần giải quyết; cuối năm tổ chức đối thoại để báo cáo rõ kết quả giải quyết, xử lý các vấn đề. Ngoài ra, đối thoại giúp cán bộ từ huyện đến cơ sở nắm được bức tranh toàn cảnh của địa bàn phụ trách, qua đó tham mưu hiệu quả giải quyết vấn đề phát sinh. “Cán bộ phải làm thật, chỉ đạo thật thì khi đối thoại mới nắm được để trả lời người dân”, đồng chí Hoàng Mạnh Phú nói.

Đáng chú ý, từ năm 2017, khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo huyện yêu cầu bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có đơn khiếu nại, tố cáo trực tiếp tiếp công dân cùng lãnh đạo huyện. Giải pháp “ba mặt một lời” này đã giúp đi thẳng tận gốc vấn đề, giải tỏa nhanh chóng những bức xúc, ngăn chặn phát sinh “điểm nóng”, góp phần quan trọng giúp Phúc Thọ hoàn thành các tiêu chí để được đề nghị là huyện nông thôn mới.

Tại quận Cầu Giấy, “Thứ bảy, Chủ tịch UBND quận mời ăn sáng” - đó là cách mà lãnh đạo UBND tám phường trên địa bàn quận nói về buổi giao ban công tác quản lý trật tự đô thị sáng thứ bảy hằng tuần do Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy chủ trì. Cụm từ “ăn sáng” ở đây đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi sau phần “điểm tâm” sẽ đến cuộc họp giao ban định kỳ, trong đó mọi vấn đề tồn tại trong công tác quản lý trật tự đô thị sẽ được lãnh đạo quận nêu rõ, phân tích, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, từ trước đến nay, đối với vi phạm trật tự đô thị, lãnh đạo nhiều phường thường có thói quen đổ lỗi cho tập thể. Để khắc phục tình trạng này, Thường trực Quận ủy đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho người đứng đầu các phường trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn. Từ đó, tuần nào cũng vậy, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND quận, trước khi họp giao ban sáng thứ bảy, các Phó Chủ tịch UBND quận được phân công phụ trách các phường phải tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quản lý trật tự đô thị tại địa bàn mình phụ trách. Phường nào để vi phạm trật tự đô thị diễn ra trong một thời gian dài, thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách địa bàn đó rồi đến cá nhân khác.

Đây là hai trong số nhiều điển hình về việc xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu các cấp của Đảng bộ TP Hà Nội thời gian qua. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW nghiêm túc trong toàn Đảng bộ; coi việc thực hiện Chỉ thị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII). Liên tiếp trong năm 2018 và 2019, Hà Nội chọn chủ đề công tác là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Cùng với đó, các nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TW đã được thành phố triển khai đồng bộ, đạt kết quả rõ nét.

Gương mẫu đi đầu, sâu sát cơ sở

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo nhằm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua của Thành ủy Hà Nội là đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên; phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu của lãnh đạo, cấp ủy và chính quyền các cấp từ thành phố tới cơ sở, từ đó vận động quần chúng nhân dân làm theo.

Theo đó, từ các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đều tăng cường thời gian đi làm việc, nắm bắt tình hình thực tiễn tại cơ sở, các đơn vị trực thuộc Thành ủy, lắng nghe và có ý kiến chỉ đạo giải quyết tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị. Bên cạnh việc giảm họp, nâng cao chất lượng các hội nghị thì đi cơ sở, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và người dân đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình công tác thường xuyên của lãnh đạo thành phố. Trong năm 2018, không chỉ có các cuộc làm việc với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã về dự sinh hoạt Đảng ở ba đảng bộ cơ sở gồm xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất), phường Thành Công (quận Ba Đình) và thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh). Các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đầu các đoàn kiểm tra làm việc với cấp ủy cơ sở vừa nắm bắt tình hình, vừa định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tính chung từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Thành ủy đã tổ chức 15 đoàn giám sát, 28 đoàn kiểm tra đối với 112 lượt ban thường vụ cấp ủy trực thuộc, qua đó đã tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả các mặt công tác trọng tâm.

Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật cho rằng, tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố đã lan tỏa xuống cơ sở, tạo nên khí thế, ý thức làm việc với trách nhiệm cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Tại quận Đống Đa, cách làm này được áp dụng với từng đồng chí trong Ban Thường vụ, nhất là trong phát triển kinh tế, quản lý đô thị. Mỗi đồng chí được phân công nhiệm vụ cụ thể, phải thường xuyên bám sát, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, doanh nghiệp, thậm chí chịu trách nhiệm về chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn được giao. Nhờ đó, quận Đống Đa luôn là một trong những quận có số thu ngân sách cao nhất Hà Nội, riêng năm 2018 đạt hơn 10,8 nghìn tỷ đồng. Tại Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Phùng Khải Lợi cho biết, yêu cầu đặt ra là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối phải tiền phong, gương mẫu, giữ gìn đạo đức, lối sống, tác phong; gương mẫu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; gương mẫu trong nói và làm, xây dựng khối đoàn kết, đồng thuận trong cơ quan, đơn vị.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, từng cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đủ sức lãnh đạo giải quyết các yêu cầu từ thực tiễn. Từng đồng chí Thành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn, lĩnh vực phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và của cấp trên. Mỗi cấp ủy cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Có như vậy, các lĩnh vực công tác, các nhiệm vụ đề ra mới đạt kết quả cao.