Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước (Kỳ 1)

Những nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã chỉ ra không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và truy tố theo pháp luật.

Song hành nhiệm vụ "xây" và "chống" để tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo DNNN có tính Ðảng cao, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực điều hành và quản trị chuyên nghiệp phù hợp chuẩn mực quốc tế, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước là đòi hỏi cấp thiết và lâu dài, cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Bài 1: Bài học sâu sắc từ những "đại án"

Tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, trong toàn Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư có 30 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật do vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, quy định của Ðảng; đã thi hành kỷ luật 1.872 đảng viên, trong đó có 440 cấp ủy viên, 216 trường hợp bị khai trừ; nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quá trình xử lý để lại những bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN nói chung, công tác lựa chọn, bổ nhiệm, quản lý, giám sát cán bộ trong DNNN nói riêng, nhất là những đảng viên được giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp (DN).

Biến hóa khôn lường

Ðiểm lại một số vụ, việc điển hình xảy ra tại các DNNN từ nhiệm kỳ Ðại hội X của Ðảng đến nay, cho thấy, tình trạng vi phạm xảy ra dưới nhiều dạng thức, biến hóa khôn lường trong nhiều lĩnh vực, từ công tác tài chính, đầu tư, quản lý, điều hành DN đến công tác cán bộ. Qua công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật của Ðảng, những biểu hiện tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ chủ chốt nắm quyền lãnh đạo, điều hành DNNN và cơ chế quản lý chồng chéo, kém hiệu quả đã được chỉ ra.

Quá trình xem xét, điều tra, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế từng xảy ra trong giai đoạn trước đây tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, các tổ chức tài chính nhà nước như Vietinbank, Agribank, BIDV...; các tập đoàn, tổng công ty Vinashin, Vinalines, Mobifone, PVN..., đã làm rõ những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để lũng đoạn tổ chức, bộ máy; trục lợi cá nhân, tham nhũng. Tình trạng tha hóa quyền lực biểu hiện ở mức nghiêm trọng, khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc nối, ăn chia lợi ích bất chấp các quy định của pháp luật, từ việc lựa chọn hình thức huy động vốn, đầu tư vốn, thẩm định tình hình tài chính; buông lỏng công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong quản lý vốn, tài chính, tài sản nhà nước, buông lỏng công tác quản lý các dự án đầu tư, vi phạm trong chỉ đạo bán thầu, chuyển nhượng hợp đồng; tự thực hiện nhiều gói thầu không đúng pháp luật quy định; quy trình chỉ định thầu được tiến hành nhanh chóng, sơ sài, nhiều nội dung chỉ mang tính hình thức; có sự ưu ái bất thường trong việc giao thầu... gây bức xúc dư luận. Sự thiếu gương mẫu của bộ phận cán bộ cấp cao trong công ty mẹ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khi phần lớn công ty con đều có sai phạm. Một số trường hợp, quá trình quản lý, điều hành DNNN, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài sản, tiền vốn nhà nước dẫn đến hậu quả không có khả năng thanh toán các khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, nguy cơ phá sản và ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, hàng nghìn lao động mất việc làm.

Bài học về giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Ðảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong các DNNN; qua hàng loạt vụ việc tiêu cực đã xem xét, thi hành kỷ luật ban thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy DN. Ðó là những hành vi bất chấp nguyên tắc đảng khi người đứng đầu một số DNNN có quy mô lớn đã tự quyết định bổ nhiệm người thân mà không có ý kiến của Ban Thường vụ Ðảng ủy và nghị quyết của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HÐQT/HÐTV); cử người thân làm đại diện vốn của Nhà nước tại DN khác trái quy định của Chính phủ... Việc bổ nhiệm hàng chục cán bộ không trong quy hoạch, có trường hợp không đủ tiêu chuẩn; không xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ lãnh đạo đơn vị trực thuộc có vi phạm, khuyết điểm; có trường hợp lãnh đạo, điều hành DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, trong DNNN nói riêng ở nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng đã tạo ra những đột phá được cho là chưa có trong tiền lệ, khi kỷ luật, truy tố một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, do những sai phạm nghiêm trọng ở thời kỳ trước đó, trong vai trò người đứng đầu cấp ủy DNNN. Ðó là một trong những vụ án trọng điểm được Trung ương trực tiếp chỉ đạo xử lý. Một loạt cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ của tập đoàn đã bị xử lý kỷ luật, khai trừ Ðảng và truy cứu trách nhiệm hình sự. Liên quan sai phạm xảy ra tại các DNNN, một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bộ quản lý ngành cũng phải chịu trách nhiệm, bị thi hành kỷ luật đảng, có trường hợp bị khởi tố.

Không khó để nhận thấy tình trạng lạm quyền, lộng quyền bất chấp các quy định pháp luật của một số cán bộ, đảng viên được giao quyền trong DNNN. Quyền lực quá lớn nhưng thiếu giải pháp kiểm soát dẫn đến các hành vi tự tung, tự tác và hậu quả thật khôn lường. Nhìn từ nhiều khía cạnh cho thấy những bài học đắt giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý DNNN; về năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong chấp hành các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước tại DNNN. Ðáng chú ý là cơ chế kiểm soát quyền lực còn nhiều bất cập khi xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát đối với người được chọn đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN.

Trách nhiệm chồng chéo

Ðảng và Nhà nước đã tạo ra hệ thống văn bản quy định về phân cấp quản lý hoạt động DNNN, cũng như quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (các chức danh bao gồm: chủ tịch HÐTV; chủ tịch công ty; thành viên HÐTV; kiểm soát viên; tổng giám đốc; phó tổng giám đốc; giám đốc; phó giám đốc; kế toán trưởng), về cơ bản, đã tạo hành lang pháp lý cho DNNN hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Cụ thể như Nghị định 97/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại DN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Quy định 105-QÐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử..., bảo đảm nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ. Ban cán sự đảng bộ quản lý ngành và người đứng đầu được ủy quyền trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ DNNN trong phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm xảy ra ở hầu hết các khâu trong hoạt động của DNNN như thời gian qua, cho thấy tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, tác động tiêu cực ở phạm vi lớn. Một trong những nguyên nhân là sự phân định chưa rõ ràng trong các quy định về cơ chế, chính sách quản lý DNNN; việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại DN giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (là các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh) và của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm...

Nhiều ý kiến cho rằng, sự phân tán đầu mối chịu trách nhiệm vừa làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình; thiếu đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả, hiệu quả kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn đầu tư nhà nước trong DN. Sau các vụ việc đã xảy ra tại Mobifone, PVC... cho thấy, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với việc bổ nhiệm sai hay kinh doanh thua lỗ cần được làm rõ. Việc phối hợp chưa hiệu quả giữa các bộ, ngành dẫn đến thiếu thông tin và khả năng đánh giá tổng thể một DNNN, không đủ căn cứ đánh giá chính xác chất lượng công tác của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN. Do đó, có những cán bộ quản lý, điều hành DN thua lỗ kéo dài, đầu tư thất thoát... nhưng vẫn được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN còn nhiều vướng mắc, lúng túng trong xử lý các vấn đề cần có sự tham gia ý kiến của nhiều bộ khác nhau cũng là nguyên nhân chậm phát hiện vi phạm... Bên cạnh đó, việc trao quyền cho người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN quá lớn, trong khi chế độ báo cáo, xin ý kiến trước khi biểu quyết những vấn đề quan trọng của DNNN chưa được quy định cụ thể. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế, không thường xuyên, vì thế tính chất cảnh báo, phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động của nhiều DNNN không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Hiện nay, một số quy định, hướng dẫn của Ðảng và Nhà nước về công tác cán bộ trong DN còn có nội dung chưa đồng bộ, cho nên khi thực hiện quy hoạch, đánh giá, phân loại cán bộ, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Theo một số quy định hiện hành, các bộ, ngành là chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN chủ trì thực hiện quy trình công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý DN (quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật...), có ý kiến của Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư. Ðảng ủy Khối chủ trì thực hiện quy trình công tác cán bộ cấp ủy DN, ban cán sự đảng bộ, ngành tham gia ý kiến. Tuy đã có quy chế phối hợp công tác giữa Ðảng ủy Khối với ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, theo Quyết định số 219 - QÐ/TW của Ban Bí thư, nhưng trên thực tế sự phối hợp có lúc còn thiếu chặt chẽ.

Một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý DN trong Khối không lấy ý kiến của Ðảng ủy Khối. Có DN khuyết cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong thời gian dài nhưng chậm được kiện toàn đã ảnh hưởng đến việc kiện toàn chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy DN. Chưa kể, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thuộc sự quản lý nhà nước và quản lý vốn của nhiều bộ, ngành khác nhau, do đó trong công tác cán bộ nhìn chung còn khép kín trong từng DN, đơn vị, ít có sự liên thông.

Và không thể không thấy những yếu kém đến từ yếu tố con người. Ðó là trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị DN của một số cán bộ quản lý DNNN hạn chế, do việc bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN chưa phù hợp. Quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý DNNN chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của DN trong cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng và gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng.

(Còn nữa)