Truyền dạy cồng chiêng

Nghệ nhân A Líp (60 tuổi) ở làng Groi 2, xã Glar, huyện Đác Đoa (Gia Lai) không chỉ dành thời gian nghiên cứu sâu về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng mà còn mở lớp truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho những người trẻ trong vùng nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo này.

Nghệ nhân A Líp hướng dẫn kỹ thuật đánh cồng chiêng cho thiếu nhi.
Nghệ nhân A Líp hướng dẫn kỹ thuật đánh cồng chiêng cho thiếu nhi.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đánh cồng chiêng, từ nhỏ A Líp đã được bố chỉ dạy cho đánh cồng chiêng và cách chỉnh âm. Những dịp đi theo bố biểu diễn cồng chiêng hay chỉnh chiêng ở các làng xa đã vun đắp thêm tình yêu của A Líp đối với loại nhạc cụ mà cha ông truyền lại, càng hiểu thêm giá trị của cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào mình. Dù bận rộn đi chỉnh chiêng ở nhiều nơi nhưng A Líp vẫn đều đặn mỗi tuần, dành hai buổi tối thứ bảy và chủ nhật để truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên tại nhà riêng. Nhờ sự nhiệt tình ấy, đến nay làng Groi 2 đã thành lập được hai đội cồng chiêng người lớn và thanh thiếu niên với hơn 60 người tham gia. Hai đội cồng chiêng không chỉ biểu diễn phục vụ dân làng mà còn đi biểu diễn ở các dịp lễ hội do xã, huyện tổ chức. Ðội cồng chiêng của làng Groi 2 vừa vinh dự được tham gia Festival cồng chiêng được tổ chức tại TP Plây Cu (Gia Lai).

Chị Hồ Thị Duyên, cán bộ văn hóa thông tin xã Glar, huyện Ðác Ðoa cho biết: "Ngoài truyền dạy cho các em nhỏ, chú A Líp còn hỗ trợ các thành viên trong đội cồng chiêng biểu diễn trong các dịp lễ hội, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thôn, xã, huyện, góp phần không nhỏ lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngay trên quê hương. Bên cạnh việc dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên ở huyện Ðác Ðoa, nghệ nhân A Líp còn phụ giảng về văn hóa cồng chiêng ở một số địa phương khác trong tỉnh.

Đam mê truyền đạt cách đánh chiêng, nghệ nhân A Líp còn tâm huyết giảng dạy về vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhờ được nghệ nhân A Líp phát hiện, dìu dắt, nhiều em nhỏ đã bộc lộ năng khiếu của mình thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn. Theo nghệ nhân A Líp, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na, vui người ta đánh cồng chiêng, buồn cũng lấy cồng chiêng ra kể chuyện. Ngoài cồng chiêng, nghệ nhân A Líp còn biết sử dụng nhiều nhạc cụ của dân tộc mình như: Kơ Ní, T’Rưng, Krông Pút, Goong. Ông cũng là một trong số ít nghệ nhân còn lại của huyện Ðác Ðoa biết làm và sử dụng chiêng tre. Vừa qua, nghệ nhân A Líp vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.