Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên:

Người dân thực sự làm chủ làng bản của mình

NDO -

NDĐT - “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” - đó là “thông điệp” đậm chất nhân văn mà người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - gửi gắm tại Chỉ thị số 01/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Hơn thế, đó còn là một phong trào thi đua nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo và trở nên khá giả, trong đó, đương nhiên có Điện Biên!

Mùa vàng trên các triền núi cao Điện Biên
Mùa vàng trên các triền núi cao Điện Biên

Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn 57.214 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,14%) và 9.135 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,69%). Thống kê phân loại hộ nghèo của cơ quan chuyên môn, cho thấy, dân tộc Mông có số hộ nghèo cao nhất tỉnh (28.951 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,60% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Tiếp đến là dân tộc Thái với 20.174 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,26% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; dân tộc Khơ Mú có 3.052 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,33% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; các dân tộc thiểu số khác có 2.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,81% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Ngay như đồng bào dân tộc Kinh vẫn được tiếng là năng động trong phát triển kinh tế, cũng có 868 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,52% tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - (NTM) tỉnh, cho biết: Tại thời điểm này, nói đến mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không gì cụ thể hơn, rõ ràng hơn là Chương trình NTM. Theo ông Lò Văn Tiến, không chỉ thực hiện xây dựng xã NTM thông thường như các tỉnh khu vực đồng bằng, nội địa mà Điện Biên còn xây dựng NTM cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới với nhiều khó khăn đặc thù tại điểm xuất phát và cả trong quá trình triển khai. Thực hiện Quyết định số 1573/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, tỉnh Điện Biên có 29 xã biên giới thuộc bốn huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên và Mường Chà. Nhờ được ưu tiên nguồn lực đầu tư, đến nay nhiều xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn NTM.

Người dân thực sự làm chủ làng bản của mình ảnh 1

Chăn nuôi quy mô nhỏ từng bước giúp các gia đình nông dân huyện Nậm Pồ có cuộc sống tốt hơn.

Để cảm nhận rõ nhất thành quả sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, chúng tôi lên Nậm Pồ - một huyện biên giới, vùng sâu mới thành lập, phần lớn cư dân là bà con các dân tộc thiểu số với vô vàn khó khăn, nơi có hơn hơn 95% dân số làm nông nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân huyện, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã triển khai chương trình xây dựng NTM với tinh thần nhập cuộc cao nhất. Được biết, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, lãnh đạo các cấp Hội Nông dân trong huyện tích cực về cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất mà hội viên nông dân được thụ hưởng.

Qua phân tích nội dung các dự án trên địa bàn, Hội Nông dân huyện nhận thấy Chương trình 30a và Chương trình 135 giai đoạn III... có nhiều mục hỗ trợ cây, con giống cho nông dân. Tận dụng cơ hội, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các phòng ban chức năng để triển khai chương trình với thời hạn nhanh nhất và hiệu quả cao nhất. Với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân các cấp chủ động mở các lớp tập huấn cho hơn 10.000 hội viên nông dân, về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phát hiện và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hiệu quả trông thấy là những năm gần đây sản xuất nông nghiệp ở Nậm Pồ đạt con số ấn tượng, nông dân có nguồn thu ổn định từ các hoạt động nông - lâm nghiệp do chương trình NTM đem lại.

Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Nậm Pồ, cho biết: Để triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo hoàn thiện đề án xây dựng NTM các xã chia tách; tuyên truyền, hướng dẫn các xã; triển khai các dự án đầu tư thuộc các Chương trình 135, 134, 79, NTM theo mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí NTM của các xã; phân chia các xã trong huyện thành ba nhóm: Nhóm xã thuận lợi gồm bảy xã: Chà Cang, Chà Tở, Chà Nưa, Nậm Khăn, Pa Tần, Nà Hỳ và Nà Khoa. Nhóm xã nghèo kiệt tài nguyên, độ cao trên 1000m và khí hậu khắc nghiệt, gồm hai xã Phìn Hồ và Si Pa Phìn. Nhóm xã rất khó khăn ở vùng sâu và phức tạp về an ninh trật tự, tôn giáo trái phép, tình hình di cư tự do, gồm sáu xã: Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Tin, Nậm Chua, Vàng Đán và Nà Bủng (trong đó có những xã “trắng” về các tiêu chí NTM); trên cơ sở đó có định hướng đầu tư và phát triển đối với từng nhóm xã cho phù hợp. Thời gian tới, UBND huyện Nậm Pồ sẽ tập trung chỉ đạo nhằm phát huy cao nhất nguồn vốn đầu tư của Chính phủ. Việc công nhận xã NTM với Chà Nưa mới đây, đương nhiên là động lực và niềm tin giúp cán bộ và nhân dân các xã khác thêm quyết tâm phấn đấu”.

Từ kết quả làm việc với UBND huyện Nậm Pồ, chúng tôi về xã biên giới Chà Nưa - xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Thay vì làm việc với lãnh đạo chính quyền xã, chúng tôi tìm gặp một số người dân thường để nghe họ nói về những gì đã và đang diễn ra tại các bản làng quê hương họ. Ông Thùng Văn Tỉnh, bản Nà Sự 1 (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), cho biết: Từ xưa tới nay, phần vì do thói quen tập quán, mặt khác, hầu hết đời sống nhân dân trong bản, trong xã còn rất khó khăn về kinh tế nên nhiều gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Triển khai xây dựng NTM, khoảng giữa năm 2017, chính quyền xã vận động mỗi hộ dân xây một nhà tiêu hợp vệ sinh. Để khuyến khích người dân, xã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn ủng hộ vật liệu (sắt thép, xi măng, gạch và thiết bị nhà vệ sinh). Kết quả là chỉ sau chưa đầy nửa năm, hơn 150 nhà vệ sinh được xây dựng tại chín/chín bản trong xã, đáp ứng tiêu chí về vệ sinh môi trường. Bà Tao Thị Viện, bản Cấu (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), nói: Ðược chính quyền xã vận động, các gia đình tập trung nguồn lực xây dựng các lò đốt rác nhỏ theo quy mô nhóm hộ gia đình. Chi phí xây dựng cho một lò đốt rác khoảng 1,5 triệu đồng, do nhân dân tự đóng góp. Tuy công suất các lò thủ công này hơi nhỏ nhưng vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông đều có thể xử lý được và nói chung là phù hợp với mô hình các làng bản vùng cao.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng được lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy, họ thực sự làm chủ làng bản quê hương mình, mọi việc đều được người dân vào cuộc, từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện. Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững không gì khác nhằm tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn, bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc. Người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và cuối cùng chính họ là đối tượng thụ hưởng những gì mà Chương trình mang lại. Đến thời điểm này (tháng 8/2019), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 37,08%. Cải cách hành chính tiếp tục đạt kết quả tốt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; năm 2018 xếp hạng PCI của tỉnh tăng 1 bậc, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Điện Biên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức; nhiều nơi tỷ lệ nghèo ở mức cao, cá biệt trên dưới 60%; xu hướng rõ rệt tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, biên giới, vùng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số hơn 110 chính sách (chính xác là 118 chính sách) đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không ít chính sách còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa tạo được sự khuyến khích người nghèo chủ động và hăng hái vươn lên thoát nghèo; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế; chưa phát huy được vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia các hoạt động giảm nghèo ở cơ sở; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo và nhất là thoát nghèo một cách căn cơ, thực chất và bền vững.