Mở hướng làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Thuận

Trước đây, cây điều được trồng trên những vùng đất khô cằn, chủ yếu để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Giờ đây, cây điều được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, mở ra hướng làm giàu cho đồng bào nơi đây.

Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop thu mua sản phẩm của đồng bào sau khi thu hoạch.
Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop thu mua sản phẩm của đồng bào sau khi thu hoạch.

Những năm cuối thế kỷ 20, mỗi năm Công ty cổ phần Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận đạt tổng doanh thu hàng chục triệu USD từ chế biến và xuất khẩu các sản phẩm hạt điều. Tuy nhiên, nguyên liệu hầu như phải nhập khẩu, cho nên lợi nhuận thấp. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Ninh Thuận đề ra mục tiêu phát triển vùng trồng, qua công tác rà soát, khảo sát cho thấy cây điều sinh trưởng tốt trên các vùng đất trống, đồi núi trọc thuộc các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc… Từ đó, tỉnh Ninh Thuận quyết định phát triển diện tích, đồng thời đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm hạt điều tại địa phương. Theo quy hoạch của tỉnh, tháng 2-2018, Công ty TNHH Long Sơn-BLB tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến hạt điều được đầu tư 20 tỷ đồng, công suất 4.900 tấn hạt điều thô/năm tại cụm Công nghiệp Tháp Chàm (TP Phan Rang - Tháp Chàm), tạo cơ hội cho cây điều trở thành cây trồng mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh.

Trước đây, đồng bào Ra Glai trồng “thả” theo cách truyền thống, ít quan tâm chăm sóc, vì vậy cây điều cho năng suất thấp. Từ năm 2017 đến nay, người dân được đội ngũ kỹ thuật viên của Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop tại huyện Ninh Sơn hướng dẫn cách chăm sóc cho nên cây điều sinh trưởng tốt, cho năng suất khoảng 300 kg/ha. Hợp tác xã bao tiêu với giá 39.500 đồng/kg, đồng bào Ra Glai đang từng bước vươn lên thoát nghèo từ giá trị kinh tế cây điều đem lại.

Thăm vườn điều rộng 2 ha của hộ ông Pi Năng Thiên, ở thôn Hạnh Rạc 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, ông Thiên chia sẻ: “Tôi trồng điều từ năm 1992, nhưng do không biết cách chăm sóc, cho nên năng suất chỉ đạt 100kg/ha. Nay, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân hữu cơ, cây điều ra quả rất nhiều. Chưa hết mùa vụ năm 2018, tôi đã thu hoạch hơn 600 kg, cầm chắc trong tay hơn 20 triệu đồng”. Tại xã Phước Bình đã có hơn 10 hộ đồng bào Ra Glai được Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo quy trình mới, hơn 10 ha giống điều cũ trồng bằng hạt cho năng suất thấp sẽ bị phá bỏ và thay thế bằng các giống điều ghép cho năng suất cao do vườn ươm của hợp tác xã cung ứng.

Giám đốc điều hành Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop Nguyễn Thái Dương cho biết, lâu nay, cây điều được trồng trên các vùng đất dốc, dễ bị rửa trôi và xói mòn vào mùa mưa bão. Để khắc phục điều đó, hợp tác xã hướng dẫn người dân bón phân hữu cơ nhằm tăng cường độ mùn trong đất, giúp cho bộ rễ của cây bám chặt hơn vào đất để hút nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng. Mục tiêu của hợp tác xã là từ nhãn hiệu Truecoop, sẽ góp phần hỗ trợ đồng bào thay đổi cách thức sản xuất, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm hạt điều Ninh Thuận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra để xây dựng hợp tác xã do nông dân làm chủ, dẫn đầu về sản xuất điều hữu cơ đã qua chế biến có xuất xứ từ Việt Nam trong 10 năm tới, Ban Giám đốc đã chủ động xây dựng vườn ươm, chuyển giao giống và các công trình phụ trợ với kỹ thuật chăm sóc điều hữu cơ để nhân rộng diện tích.

Hiện tại, sản phẩm hạt điều của Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop đã được tổ chức quốc tế Control Union-Hà Lan cấp chứng nhận sản phẩm đạt hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Hợp tác xã liên kết, hướng dẫn đồng bào trồng điều theo quy trình sản xuất hữu cơ, ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với 187 hộ dân ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái với diện tích 604 ha; đồng thời xúc tiến làm thủ tục chứng nhận vùng điều tại Vườn quốc gia Núi Chúa, ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc để liên kết sản xuất và thu mua với diện tích 550 ha do 315 hộ trồng. Hộ ông Chamaléa Nghê, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc cho biết: Gia đình trồng “thả” 3 ha cây điều nằm trong vùng đất núi, đồi trọc thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa được sáu năm tuổi. Sau gần ba năm, thu hoạch lứa đầu tiên năng suất thấp, nay áp dụng kỹ thuật chăm sóc hữu cơ, cho nên trong mùa vụ năm 2018, thu hoạch gần 300 kg/ha, cao gấp ba lần so với trước và được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, từ đó có lãi khá.

Ninh Thuận hiện có hơn 3.805 ha cây điều được trồng bằng hạt và ghép cao sản như: PN1, AB05-08, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 2.300 ha, năng suất bình quân 300kg/ha. Sản lượng thu hoạch đạt gần 700 tấn/năm. Để đạt mục tiêu phát triển 5.900 ha cây điều vào năm 2020, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động nông dân trồng các giống điều mới có năng suất, chất lượng cao thay cho cách trồng bằng hạt và áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo quy trình sản xuất hữu cơ. Đồng thời đẩy mạnh sự gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định để người dân không bị thương lái ép giá như trước đây, an tâm sản xuất và vươn lên làm giàu trên những vùng đất trống, đồi núi trọc.