Công bố kết quả điều tra thực trạng của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

NDO -

Chiều 3-7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Hội nghị công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
Hội nghị công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Đây là cuộc điều tra lần thứ hai do Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp Ủy ban Dân số (UBDT) thực hiện.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS), UBDT đã khẩn trương phối hợp với TCTK và các bộ, ngành liên quan triển khai các nội dung liên quan đến tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Kết quả chính của điều tra 53 DTTS lần này tập trung vào: đặc điểm kinh tế - xã hội của vùng DTTS; dân số và các đặc trưng nhân khẩu học của đồng bào DTTS; điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống tinh thần của hộ DTTS.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong các giai đoạn điều tra, trong đó sử dụng 100% phiếu điện tử bằng hình thức CAPI và Webform, thời gian điều tra và xử lý số liệu được rút ngắn. Việc cung cấp sớm thông tin đã hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho quá trình hoạch định chính sách và xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Hiện cả nước có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49% tổng số xã của toàn quốc và phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%).

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%). Phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ km được cứng hóa (trải nhựa hoặc bê-tông) đạt 95,2%.

Gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa. 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện, nhờ vậy đã có 96,7% hộ DTTS đã được tiếp cận với điện lưới để thắp sáng. Hầu hết các xã vùng DTTS đã có trạm y tế (99,5%).

Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã theo chuẩn quốc gia giai đoạn đến 2020 đạt 83,5%. Cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng DTTS. Tỷ lệ trường học kiên cố đã đạt 91,3%, trong khi đó tỷ lệ điểm trường được xây dựng kiên cố mới chỉ đạt 54,4%.

Tính đến thời điểm ngày 1-4-2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Số hộ DTTS là 3.680.943 hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước. Phần lớn các hộ DTTS sống ở khu vực nông thôn, chiếm 83,3%, tương đương với gần 3,1 triệu hộ.

So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học của người DTTS là 100,5%, cấp THCS là 85,8% và THPT là 50,7%. Có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động là 83,3%. Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật  từ sơ cấp trở lên là 10,3%. Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp các hộ DTTS có nguồn lực phát triển kinh tế, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo. Tỷ lệ hộ DTTS vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 là 19,7%. Điều đáng mừng là gần như toàn bộ các hộ DTTS đã có nhà ở (đạt 99,8%), và  79,2% trong số này là các ngôi nhà kiên cố, hoặc bán kiên cố.

Đánh giá về kết quả cuộc điều tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: “Đây là căn cứ có tính pháp lý để đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2015-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kế hoạch năm năm 2021-2025 và chuẩn bị văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.