Ðất trống, đồi trọc đã xanh rừng

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị triển khai tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phong trào trồng rừng đã tạo ra sức sống mới cho nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Trị hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm Quảng Trị hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ rừng.

Trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc

Lên vùng gò đồi phía tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ mới thấy hết sự đổi thay của vùng đất một thời bị bom đạn hủy diệt. Hàng trăm ha rừng trồng với các loại cây cao-su, keo tai tượng, tràm hoa vàng... xanh ngút ngàn phủ lên các mỏm đồi chằng chịt hố bom, hố pháo năm xưa. Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống như: xã Linh Thượng, Vĩnh Trường (huyện Gio Linh); Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) trước đây đời sống của người dân hết sức khó khăn, tập quán canh tác chủ yếu là "phát, cốt, đốt, trỉa", du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, thì nay họ đã định canh, định cư, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, trong đó nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên, trở thành những triệu phú nhờ trồng rừng và cây cao-su.

Anh Hồ Văn Tế, ở thôn Tà Lang, xã Hải Phúc (huyện Ða Krông), có hơn tám ha rừng tràm cho biết, trước đây cuộc sống gia đình luôn bị đói, nghèo đeo bám. Ðời sống sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào hơn một sào rẫy lúa, ngô thường xuyên mất mùa. Từ trong nghèo khó, anh đã nghĩ ra cách làm mới, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, vẫn khai thác rừng nhưng không theo phương pháp truyền thống như săn bắt thú, khai thác gỗ mà phải trồng rừng để thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng từ khai thác rừng trồng và chăn nuôi. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, anh có điều kiện chăm lo cho các con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Mô hình kinh tế của gia đình anh Tế là một điển hình trong việc thay đổi tập quán khai thác rừng được nhân rộng trên địa bàn miền núi huyện Ða Krông.

Ðến bản Ðá Bàn, xã Ba Nang (huyện Ða Krông) hỏi về chuyện trồng rừng kinh tế, ai cũng nhắc đến ba anh em Hồ Văn Trung, Hồ Văn Hòa và Hồ Văn Hinh. Ðể thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ba anh em đã hợp sức nhau lại mở một con đường từ bản lên đến đỉnh núi Ka Niêng, cao hơn 1.000 m so với mực nước biển khai thác đất trống, đồi núi trọc trồng hơn 50 ha sắn, 50 ha rừng và cây cao-su, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng. Ðến nay, toàn bộ khu đất hoang hóa rộng hơn 100 ha đã được phủ kín bạt ngàn mầu xanh. Phong trào trồng rừng kinh tế đã mở hướng làm ăn mới cho bà con đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Cô ở xã Ba Nang và huyện Ða Krông".

Theo Chi Cục trưởng Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị Hoàng Ðức Doanh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 15.500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (quốc tế), theo các tiêu chí hiện đại, rừng được quản lý bền vững, đất đai được bảo vệ, hạn chế xói mòn, môi trường sinh thái được cải thiện... Theo đó, giá gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn so với giá gỗ bình thường từ 30 đến 50%. Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện nay Tập đoàn IKEA Thụy Ðiển tài trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Trị mở rộng dự án trên địa bàn, với diện tích rừng trồng ngày càng nhiều hơn. Theo đó, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 42 nghìn ha rừng trồng theo tiêu chí FSC.

Hỗ trợ đồng bào trồng rừng bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết: Toàn tỉnh hiện có 75 nghìn ha rừng sản xuất (hơn 40 nghìn ha rừng thuộc về các hộ gia đình) cùng hàng triệu cây phân tán, nâng độ che phủ của rừng đạt 49%. Mục tiêu phát triển lâm nghiệp của tỉnh là duy trì sự ổn định đến năm 2020 nâng độ che phủ của rừng đạt 50%. Ðể công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có hiệu quả, ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương triển khai tốt việc giao đất, giao rừng cho người dân; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng có hiệu quả để nâng cao đời sống của người dân và tỷ lệ độ che phủ của rừng...

Ông Hồ Văn Bình, ở thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Ða Rông nhận hơn 1.250 kg gạo hỗ trợ trồng rừng, chia sẻ: Nhờ có chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy bạc màu cho nên gia đình mình vừa có gạo ăn, vừa được hỗ trợ tiền mua cây giống và phân bón, cả nhà phấn khởi tập trung trồng rừng mới. Ðến nay, gần bốn ha rừng trồng đã đâm chồi nảy lộc, phủ xanh cả một mỏm đồi. Mùa trồng rừng năm nay, ông Bình tiếp tục đăng ký trồng thêm rừng ở vùng đồi núi trọc còn lại trên địa bàn để tăng thêm diện tích rừng của gia đình. Còn ông Côn Quyết, ở thôn Tăng Quan, xã A Xing, huyện Hướng Hóa vui mừng khi cả nhà trồng được bốn ha rừng, nhận được rất nhiều gạo lại chia sẻ: "Ðồng bào cảm ơn Ðảng và Nhà nước nhiều lắm, có gạo rồi, no cái bụng thì phấn khởi trồng rừng và chăm sóc rừng tốt hơn thôi và cũng không phá rừng tự nhiên như những năm trước nữa...".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Chính khẳng định, việc hỗ trợ trồng rừng trên những diện tích nương rẫy sản xuất kém hiệu quả đã tạo ra bước đột phá lớn trong thay đổi tư duy, tập quán và cung cách sản xuất lạc hậu trước đây của bà con DTTS. Qua đó, không chỉ nhằm tổ chức lại sản xuất, khai thác hết tiềm năng đất đai, nâng cao đời sống của người dân, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc phát rừng tự nhiên làm nương rẫy mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện môi trường sinh thái. Ðây chính là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị.