Tìm giải pháp bền vững giữ trật tự lòng đường, vỉa hè

Một lần nữa, câu chuyện giữ trật tự lòng đường, vỉa hè lại “nóng” lên tại kỳ họp thứ năm, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9. Cùng với việc hoàn toàn ủng hộ, chấp hành chủ trương lập lại trật tự đường phố, giữ gìn mỹ quan đô thị, người dân còn mong muốn chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm cuộc sống của những người dân đang mưu sinh từ vỉa hè, góc phố.

Từ đầu năm đến nay, những đợt “ra quân” cao điểm lập lại trật tự đường phố của chính quyền các địa phương đã mang lại kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Sau thời gian thực hiện khá nghiêm, đã có biểu hiện “lỏng tay” của chính quyền một vài địa phương trong công tác quản lý trật tự lòng đường hè phố, dẫn đến việc người dân tiếp tục lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, giữ xe trái quy định, gây bức xúc trong dư luận. Lập lại trật tự lòng, lề đường sẽ bền vững khi người dân cùng tự giác thực hiện với chính quyền.

Đây không phải là việc dễ dàng, nhất là khi chỉ được thực hiện theo các biện pháp hành chính đơn thuần, kết quả cũng không có tính bền vững. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng lòng đường vào việc dừng, đậu xe; dùng vỉa hè như không gian mưu sinh của một bộ phận khá lớn người dân thành phố. Khi những nhu cầu nêu trên chưa được chính quyền các cấp tính toán, tìm biện pháp giải quyết một cách hợp lý, hài hòa thì việc người dân vi phạm là khó tránh khỏi.

Khi thành phố lập lại trật tự lòng đường, hè phố, chính quyền nhiều địa phương đã quan tâm tìm kiếm địa điểm kinh doanh mới cho những người bị ảnh hưởng; Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể ở nhiều địa phương đã tìm các giải pháp giúp đỡ. Hội Cựu chiến binh một phường ở quận 3 đã gặp gỡ, tìm hiểu những khó khăn của những người buôn bán hàng rong vỉa hè trên địa bàn để tìm cách giúp đỡ. Từ kết quả khảo sát khả năng của từng người, Hội tập hợp hơn mười chị có cùng hoàn cảnh thành lập tổ phụ nữ giúp việc nhà, đồng thời làm đầu mối liên hệ với những gia đình có nhu cầu thuê người giúp việc. Kết quả, có gần mười người tìm được việc làm, thu nhập khá ổn định.

Tương tự, nhiều người chạy xe ôm dùng vỉa hè làm nơi đón khách cũng được giúp đỡ tìm mối chở khách thường xuyên, đưa đón các học sinh đến trường... Những mô hình nêu trên cho thấy, nếu chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương thật sự nêu cao trách nhiệm, tâm huyết chăm lo những người lao động nghèo thì sẽ có những sáng kiến, giải pháp phù hợp giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời không làm ảnh hưởng trật tự, mỹ quan đô thị.

Lập lại trật tự đường phố, giữ gìn vẻ đẹp, văn minh đô thị là việc phải thực hiện. Người dân thành phố đang rất mong chờ những giải pháp đồng bộ, vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật, vừa hài hòa lợi ích kinh tế và tập quán của người dân, làm cho mỗi người nhận thức trách nhiệm của mình, chung tay với chính quyền. Được như vậy, kết quả lập lại trật tự đô thị mới căn cơ, bền vững.