Thay thế xe ba, bốn bánh tự chế không bảo đảm an toàn giao thông

Trên nhiều đường phố ở TP Hồ Chí Minh, những chiếc xe ba, bốn bánh tự chế, hoặc xe chở hàng có gắn động cơ “cõng” theo nhiều thứ hàng hóa quá khổ đâm ngang, rẽ tắt gây mất an toàn giao thông (ATGT), hạn chế mật độ lưu thông trên đường, khiến cho nhiều người bất an. Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông do các phương tiện này gây ra mà nguyên nhân chính là do hàng hóa cồng kềnh, che khuất tầm nhìn của người điều khiển. 

Theo Sở Giao thông vận tải  (GTVT)  TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, loại phương tiện này phần nào đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng... của người dân tại các khu vực có các tuyến đường nhỏ hẹp, không đủ bề rộng, tải trọng cho các loại xe tải lưu thông. Tuy nhiên, nhiều phương tiện kiểu  này đã gây ra không ít bất cập và rủi ro, ảnh hưởng đến trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố bởi hầu hết đều không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới. Chủ phương tiện sau khi mua từ các cơ sở sản xuất, chủ yếu là từ Trung Quốc, đã cơi nới thùng hàng (theo thiết kế thùng hàng chỉ có sức chở tối đa không quá 500 kg), hoặc thay thế các bộ phận mà không được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến nguy cơ mất ATGT. Các lỗi thường gặp khi kiểm định các loại xe chở hàng ba, bốn bánh là chủ phương tiện tự ý thay đổi kết cấu thùng xe, khung xe, động cơ xe, lốp xe; hệ thống lái, hệ thống phanh, ca-bin xe không đúng thiết kế đã được nhà sản xuất đăng ký. Chủ xe cũng không có, hoặc sử dụng bằng lái không phù hợp với loại phương tiện này. Qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông cho biết, nhiều người điều khiển phương tiện không có bằng lái phù hợp với loại xe này là bằng lái B2. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý phương tiện, chủ xe phù hợp với đặc thù đô thị của thành phố. Trong đó, đã hỗ trợ các chủ phương tiện thuộc diện hộ nghèo, các chủ phương tiện có xe bị đình chỉ lưu thông, chuyển đổi nghề và thực hiện thay thế phương tiện. Tuy nhiên, đến nay, biện pháp hỗ trợ của thành phố không còn được thực hiện vì Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 8-8-2017 và Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ không cho kéo dài thời gian hỗ trợ. Cũng theo hai quyết định này, UBND thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục kiểm tra và xử lý đối với các loại phương tiện bị đình chỉ nhưng vẫn tham gia giao thông, nhất là đối với các trường hợp đã nhận hỗ trợ của Nhà nước. 
 
Để thực hiện chuyển đổi thay thế phương tiện trước khi cấm hoạt động hẳn, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố, trước mắt, trong giai đoạn 2020 - 2021, cho sử dụng vành đai nội đô để điều chỉnh phạm vi hoạt động của các loại phương tiện này (áp dụng giống như đối với loại xe tải, xe chở hàng) nhằm hạn chế phạm vi hoạt động của phương tiện cũng như tình trạng mất ATGT xảy ra trong khu vực nội đô. UBND thành phố cũng đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định hạn chế sản xuất và tiến tới ngừng sản xuất loại phương tiện này. 

Trường hợp vẫn tiếp tục sản xuất thì phải bổ sung những quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu nhận thấy nhu cầu sử dụng đối với loại xe có tải trọng nhỏ là có thật, các bộ, ngành khuyến khích những nhà sản xuất ô-tô trong nước sản xuất và đưa các loại xe phù hợp ra thị trường với giá cả chấp nhận được để chủ phương tiện đầu tư mua sắm, thay thế phương tiện lưu hành không đạt chuẩn.