Tạo lập môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện

Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2020 là "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị, việc tạo lập một môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện sẽ góp phần quan trọng định hình nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn mỹ quan cho thành phố.

Nhiều năm qua, mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp cả về tuyên truyền và xử lý hành chính nhằm nâng cao ý thức của những người tham gia giao thông, nhưng thực tế vẫn
tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên diễn ra. Ngoài nguyên nhân do hạ tầng giao thông còn hạn chế; phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh; hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân…, thì ý thức kém của không ít người tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hỗn độn, ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến đường vào giờ cao điểm.

Trong khi đó, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè, đã khiến hàng loạt tuyến đường, khu vực công cộng bị lấn chiếm. Theo Sở Y tế thành phố, mỗi ngày thành phố có hàng triệu lượt người dân khám, chữa bệnh nội và ngoại trú làm cho trật tự lòng, lề đường trước các bệnh viện rất phức tạp. Các điểm giữ xe của bệnh viện thường quá tải, ùn tắc; hàng rong bủa vây trước cổng bệnh viện thường xuyên diễn ra ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông và công tác tổ chức khám, chữa bệnh. Ðại diện UBND quận 5 cho biết, việc giữ trật tự lòng, lề đường hiện đang gặp khó do phần lớn các điểm kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách đều "né quy định" để đón và trả khách tại các tuyến đường…

Thiết thực hưởng ứng chủ đề năm 2020 của thành phố, các sở, ngành, địa phương của thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè. Tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tạo dựng văn hóa giao thông; giữ gìn mỹ quan, văn minh cho đô thị. Cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn và thân thiện cho người dân trên địa bàn từng phường, xã, thị trấn; từng quận, huyện; siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý vận tải hàng hóa, vận tải hành khách trong đô thị; thực hiện nghiêm quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè; kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới. Ở khu vực nội thành, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các địa bàn để kéo dài tình hình phức tạp về trật tự lòng đường, vỉa hè; kiến nghị xử lý cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè…