Người dân không đồng tình một số khoản thu

TP Hồ Chí Minh có hơn hai nghìn khu phố, ấp; gần 26 nghìn tổ dân phố, tổ nhân dân. Nhiều tổ trưởng dân phố cho rằng, công việc phải đảm nhận không quá nhiều, chỉ có việc thu các loại quỹ, nguồn đóng góp trong dân là vất vả và tốn nhiều thời gian nhất. Ở một số khu dân cư, vấn đề này cũng khiến các hộ dân không đồng tình.

Theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ, hiện nay quỹ Phòng, chống thiên tai là loại quỹ thu theo quy định. Đối tượng phải đóng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương; người lao động trong các doanh nghiệp; người lao động khác trong độ tuổi, với mức đóng cụ thể theo thu nhập. Các loại quỹ khác như xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, người cao tuổi... thì tùy từng địa phương quy định, nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Danh sách khoản thu trong năm 2017 của một khu phố tại quận 3, ngoài quỹ Phòng, chống thiên tai, còn có nhiều loại quỹ khác bao gồm: Quỹ Chăm lo Tết cho dân nghèo; quỹ Giảm hộ nghèo tăng hộ khá; quỹ Bảo trợ trẻ em; quỹ Đền ơn đáp nghĩa; quỹ Vì người nghèo; quỹ Nghĩa vụ quân sự; quỹ Ủng hộ các tỉnh bị thiên tai lũ lụt; quỹ Người cao tuổi... Các khoản đóng góp nêu trên, đều mang ý nghĩa nhân văn, tuy nhiên, có nhiều loại quỹ trùng lắp, gây thắc mắc trong nhân dân. Đơn cử, tại một phường của quận 3, trong các khoản thu có quỹ Giảm nghèo tăng hộ khá, lại có thêm quỹ Xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ dân cho rằng, thành phố đã hoàn thành chương trình xóa đói, giảm nghèo từ lâu. Đến nay chương trình đã đổi tên là chương trình Giảm hộ nghèo tăng hộ khá; thu quỹ Xóa đói, giảm nghèo là không hợp lý. Theo quy định, đến nay, người dân không phải đóng quỹ An ninh quốc phòng nhưng trong danh sách thu lại có thu quỹ Nghĩa vụ quân sự. Không phải năm nào thiên tai, lũ lụt cũng xảy ra ở các tỉnh miền bắc, miền trung nhưng khoản thu này hầu như năm nào cũng có. Nhiều người băn khoăn về việc sử dụng quỹ Xóa đói, giảm nghèo hay quỹ Nghĩa vụ quân sự địa phương như thế nào; đối tượng nào được trợ giúp?

Ở quận 3, nhiều tổ trưởng có cách làm hay trong công tác huy động các loại quỹ trong dân, như vận động những gia đình nhà ở mặt đường, kinh doanh hoặc cho thuê; những người có đời sống kinh tế khá đóng góp nhiều hơn so với những gia đình trong hẻm nhỏ, có nguồn thu không nhiều; cân đối nguồn thu hợp lý với từng loại quỹ... Được vậy, là do chi bộ; ban công tác mặt trận; trưởng các khu phố và tổ trưởng các tổ dân phố kiên trì giải thích, khéo vận động từng gia đình. Do vậy, tuy có những khó khăn, nhưng hầu hết các tổ dân phố đều hoàn thành mức thu hằng năm.

Huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân chung tay chăm lo người nghèo là việc làm cần thiết. Người dân thành phố luôn sẵn sàng đóng góp kinh phí. Tuy nhiên, để tăng nguồn thu, tạo sự đồng thuận của người dân, ngoài cách làm năng động của cán bộ khu phố, tổ dân phố, còn cần sự rõ ràng, minh bạch đối với các loại quỹ mà người dân đóng góp.