Ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trên không gian mạng

Trong bối cảnh công nghệ và in-tơ-nét phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển đa dạng, phong phú. Hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... ngày càng thu hút nhiều người tham gia, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tương tác trên mạng, trong đó có nhu cầu mua bán, được người dân tiếp cận ngày một nhiều hơn khi mọi thứ được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện.

Tuy vậy, thương mại điện tử trên không gian ảo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế. Vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội, website, các sàn giao dịch thương mại điện tử,... tạo ra sự bức xúc cho người tiêu dùng.

 Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống đã chú trọng việc quảng bá và buôn bán sản phẩm thông qua các kênh trên mạng bởi những tiện ích rất lớn mà nó mang lại. Tuy vậy, mặt trái của xu hướng này chính là tình trạng “thật giả lẫn lộn” của người bán, cơ sở cung cấp hàng hóa. Bên cạnh những “cửa hàng” thương mại điện tử đã tạo được thương hiệu, thì nhiều người khi mua hàng qua mạng đã “dính” phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi giao hàng, họ không nhận được hàng chất lượng như cam kết của bên bán. Các hành vi nêu trên nếu không sớm được chấn chỉnh, xử lý sẽ dẫn đến “nhờn thuốc” từ người bán. Tổn thất về tiền bạc, nhận hàng không như cam kết… là những hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu đầu tiên. Từ đó, niềm tin vào xu hướng thương mại này của nhiều người cũng giảm xuống khiến nỗ lực xây dựng thị trường thương mại điện tử bị tác động tiêu cực…

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần quản lý được các địa chỉ bán hàng trực tuyến khi khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh. Thực tế cho thấy, việc tạo tài khoản bán hàng trên mạng, nhất là các tài khoản sai lệch thông tin, rất dễ dàng khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Ở đây, tiếng nói của người tiêu dùng là rất quan trọng. Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa, người tiêu dùng cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp.

 Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế, rà soát phân loại các website…, các cơ quan chức năng cần làm việc với đơn vị chủ quản các trang mạng xã hội để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt giữa các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, người dân,… mới mong đẩy lùi được vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang “tung hoành” trên không gian mạng.