Giữ gìn sự gắn kết gia đình

Kỷ niệm 17 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2018), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vừa phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề "Bữa cơm gia đình - Tổ ấm hạnh phúc". Ðây là hoạt động rất thiết thực và nhiều ý nghĩa trong xã hội hiện đại.

Gia đình là nơi mỗi người được sinh ra, được nuôi dưỡng, giáo dục đến lúc trưởng thành. Gia đình đồng thời còn là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tinh thần yêu nước, yêu quê hương, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách; chung thủy, hiếu nghĩa, kính trên nhường dưới; yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; đoàn kết; ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm... được các thế hệ gia đình Việt Nam gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời vẫn liên tục được tiếp nhận bổ sung những giá trị tốt đẹp mới, làm giàu thêm giá trị tinh thần của gia đình Việt Nam.

Trong sinh hoạt gia đình, bữa cơm giữ vị trí quan trọng. Bữa cơm là thời điểm mọi thành viên trong gia đình sum họp sau một ngày lao động, học tập, công tác. Trong khi dùng bữa, cha mẹ và con chuyện trò, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những điều chưa hài lòng; những khó khăn trong công việc và cuộc sống, đồng thời đón nhận sự quan tâm, yêu thương của người thân. Nhờ vậy, nền nếp gia phong; đạo đức lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, mô hình gia đình gồm hai thế hệ chiếm tỷ lệ khá cao, ngày càng ít gia đình có ba, bốn thế hệ chung sống trong một mái nhà. Trong cuộc sống gia đình ngày nay, vai trò của người phụ nữ ngày càng cao; không khí dân chủ giữa vợ chồng, con cái với cha mẹ ngày càng được thể hiện rõ nét; quyền tự do cá nhân của từng thành viên được tôn trọng. Tuy nhiên, thực tế ở thành phố cho thấy, do bận công việc làm ăn, học hành, ở nhà mỗi người lại có phòng riêng... cho nên các thành viên trong nhà dường như cũng ít gặp mặt, chuyện trò với nhau hơn. Không ít gia đình cả ngày, thậm chí nhiều ngày không có được một bữa cơm với đầy đủ các thành viên. Tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm giữa ông bà, cha mẹ và con cái, làm giảm đi lòng thương yêu, tính thống nhất, gắn kết trong từng gia đình.

Xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong từng gia đình. Ðể gia đình thật sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người sau những ngày lao động, học tập, ngoài việc quan tâm gần gũi nhau hơn, nhất là đối với cha mẹ già, con trẻ thì mỗi gia đình, dù bận rộn thế nào cũng cần cố gắng thu xếp công việc, thời gian để có bữa ăn chung mỗi ngày hay ít nhất là vài ngày trong tuần. Bởi đó là quãng thời gian quý báu mà các thành viên trong gia đình có thể dành trọn cho nhau trong môi trường xã hội hiện đại.