Giải pháp đồng bộ hạn chế khai thác nước ngầm

TP Hồ Chí Minh có khoảng một trăm nghìn giếng khoan lớn nhỏ, trong đó phần nhiều là giếng khoan của các hộ gia đình với lượng nước khai thác gần 700.000 m3 nước/ngày đêm.

Với lượng nước khai thác quá lớn này, các cơ quan chức năng đã cảnh báo việc khai thác nước ngầm là nguyên nhân gây sụt lún đất, làm nền hạ yếu, sử dụng lâu dài sẽ không bảo đảm sức khỏe cho người dân. Do đó, thành phố đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác trên địa bàn với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất còn 100.000 m3/ngày. Đồng thời, thành phố sẽ thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước và hạn chế ô nhiễm.

Để thực hiện chủ trương giảm khai thác nguồn nước ngầm của thành phố, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đưa ra lộ trình giảm khai thác nước ngầm từ việc đóng cửa các trạm cấp nước trước đây do đơn vị quản lý. Theo đó, năm 2019 mức nước ngầm khai thác của Sawaco sẽ còn 90.000 m3/ngày (giảm 10% so với năm 2018), phấn đấu năm 2020 giảm còn 70.000 m3/ngày. Từ năm 2021 đến năm 2023 còn 49.456 m3/ngày. Đến năm 2025, tổng công ty cam kết công suất khai thác nước ngầm giảm chỉ còn 30.000 m3/ngày và lượng nước này sẽ được đưa vào chế độ dự phòng nhằm bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt. Ngoài ra, từ đầu tháng 6-2019 đến nay, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định thuộc Sawaco đã bắt đầu triển khai chiến dịch trám lấp một số giếng khoan của người dân và thay thế bằng nguồn nước sạch. Theo tính toán, hiện có hơn 17 nghìn giếng khoan thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp được Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định lên danh sách để cùng chính quyền địa phương vận động người dân tự trám lấp hoặc đơn vị cấp nước đứng ra trám lấp trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Vấn đề đặt ra, trong quá trình đơn vị cấp nước thực hiện trám lấp, không ít hộ dân vẫn còn tâm lý muốn có một nguồn cấp nước để dự phòng sử dụng vì chất lượng nguồn nước của thành phố chưa ổn định, cũng có hộ dân vì thói quen sử dụng nước giếng để tắm giặt, tưới cây bên cạnh hệ thống nước máy dùng để ăn uống cho nên không nhiệt tình ủng hộ chủ trương lấp giếng của thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, mặc dù thành phố giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương thực hiện công tác rà soát thống kê, tuyên truyền vận động người dân không sử dụng nước giếng khoan và phối hợp cùng cơ quan chức năng trám lấp giếng nhưng vẫn còn nhiều địa phương thờ ơ với chủ trương này. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì cho rằng, để công tác vận động người dân hạn chế sử dụng nước giếng ngầm được thuận lợi thì đơn vị cấp nước phải hỗ trợ người dân, nhất là những người sống ở khu vực vùng ven có nhu cầu sử dụng nước máy bằng những việc làm cụ thể như: Hỗ trợ thủ tục đăng ký định mức nước cho chủ nhà trọ, công nhân ở nhà trọ, sinh viên; giải quyết gắn đồng hồ nước một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, thành phố và đơn vị cấp nước cần chủ động phối hợp với chủ đầu tư lắp đặt trước mạng lưới cấp 1, cấp 2 dẫn vào các khu dân cư, các dự án nhà ở mới đầu tư xây dựng, từ đó tạo điều kiện để người dân các khu vực đô thị mới và vùng ven được sử dụng nguồn nước sạch ngay khi đến sinh sống.

Đối với các giếng khoan có công suất khai thác lớn tập trung ở các khu chế xuất - khu công nghiệp (tổng công suất gần 60.000 m3/ngày) đã có hệ thống cấp nước của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra lộ trình giảm khai thác, tiến đến chế tài buộc đóng cửa nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm. Quan trọng hơn, ngành cấp nước thành phố phải nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nước, bảo đảm lưu lượng và áp lực nước đến người dân, doanh nghiệp để khách hàng yên tâm sử dụng. Tất cả những giải pháp này cần được các ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện một cách đồng bộ, đồng thời thành phố tổ chức giám sát và đánh giá kết quả qua từng năm để chủ trương hạn chế và tiến tới cấm khai thác nước ngầm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả hơn.