Dẹp nạn "cò" ở các bệnh viện

NDO -

Sau một thời gian lắng xuống thì thời gian gần đây, tình trạng "cò" bệnh viện xuất hiện trở lại, lộng hành ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và khiến cho nhiều người bệnh và người nhà, nhất là những người ở tỉnh xa đã bị kẻ xấu lợi dụng lừa tiền mà không biết phải kêu ai.

Đội ngũ “cò” ở BV Da Liễu đang đợi bắt khách. (Ảnh minh họa: thethaovanhoa.vn)
Đội ngũ “cò” ở BV Da Liễu đang đợi bắt khách. (Ảnh minh họa: thethaovanhoa.vn)

Ðến các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố như Da liễu (đường Nguyễn Thông, quận 3), Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh (đường Trần Hưng Ðạo, quận 5), Ung bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), Chợ Rẫy... đều thấy xuất hiện các "cò" khám, chữa bệnh. Cách thức hoạt động của các đối tượng này là đóng giả người lái xe ôm, bám theo người bệnh và người nhà ngay trước cổng bệnh viện để chào mời, lôi kéo giúp được vào thăm khám sớm. Và thay vì phải chờ cả buổi mới tới lượt thì thông qua những người này, người bệnh phải chi ra một khoản tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng, tùy theo tình trạng bệnh tật và nhu cầu khám bệnh, họ sẽ được vào khám bệnh sớm hơn rất nhiều. Có hai cách mà các đối tượng này thường áp dụng để kiếm tiền trên lưng người bệnh. Ðó là đến sớm xếp hàng lấy số thứ tự rồi "bán lại" số này cho những ai có nhu cầu. Cách thứ hai là "khuyên" người bệnh không khám ở bệnh viện, mà đưa tới các phòng mạch tư, bệnh viện tư của nhiều bác sĩ mà họ đã nhận làm  người môi giới. Các "cò" bệnh viện hoạt động ráo riết suốt cả ngày và đeo bám rất quyết liệt làm mất trật tự và  gây nhiều phiền nhiễu cho người bệnh và người nhà đi theo chăm sóc. Có không ít người bệnh đã bị các đối tượng này lừa lấy tiền dưới các hình thức rất tinh vi như  bán sổ khám, chữa bệnh giả với giá từ 10 đến  30 nghìn đồng/sổ đến lúc nộp sổ đăng ký khám bệnh lại phải mua sổ khám bệnh của bệnh viện. Hay lợi dụng tâm lý người bệnh muốn được khám bệnh nhanh và được các bác sĩ giỏi tay nghề trực tiếp khám và điều trị cho nên các "cò" này đã nhận lời "giúp đỡ" kèm theo một khoản tiền lót tay. Sau khi nhận tiền là bỏ đi mất. Do phần lớn người bệnh là người từ các tỉnh về, nhiều người không rành thủ tục khám, điều trị nên dễ bị "cò" hù dọa, dụ dỗ lừa tiền. Ngoài việc lừa đảo, lôi kéo người bệnh tới các phòng khám tư để trục lợi, có không ít những cò không dụ dỗ được người bệnh theo mình thì giở trò móc túi hoặc dàn cảnh để lấy trộm tài sản của họ. Tuy nhiên cũng có những "cò" rất "có uy tín" với người bệnh vì mọi việc cần nhờ vả đều được đáp ứng đầy đủ với điều kiện là "chi đẹp". Khiến không ít người cho là có sự tiếp tay của các nhân viên trong bệnh viện.

Ðiều đáng băn khoăn là các đối tượng lừa đảo này công khai lộng hành theo nhóm từ 15 đến 20 người và rất mất trật tự, đi lại, ra vào các nơi ngang nhiên như ở nhà, vậy mà các bệnh viện không có các biện pháp nào đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này. Các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại cũng chưa thấy có hành động nào để hỗ trợ các bệnh viện lập lại trật tự trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Ðể lập lại trật tự hoàn toàn không khó vì các đối tượng "cò" cũng như cách thức hoạt động rất dễ phát hiện. Vì thế, bên cạnh các biện pháp như tuyên truyền, khuyến cáo người bệnh, các bệnh viện cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại và  các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự của phường, quận ra tay xử lý vấn nạn này. Mặt khác, các bệnh viện cần phải mạnh tay dẹp bỏ những  tiêu cực trong đội ngũ nhân viên của mình, đấu tranh kiên quyết với nạn trục lợi trên người bệnh. Ðồng thời quan tâm  kiểm tra, hướng dẫn cặn kẽ và cách quản lý chặt chẽ, khoa học hơn trong việc phát phiếu khám bệnh, để người bệnh không còn bị lừa và yên tâm chữa bệnh.