Để nông dân làm giàu bền vững

Thành phố Hồ Chí Minh đi qua chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Những kết quả của chương trình này thật sự là điều rất đáng lạc quan.

Trong đó, theo chuẩn nghèo quốc gia, thành phố hiện không còn hộ nghèo. Tại năm huyện ngoại thành, chuẩn hộ nghèo (thu nhập hằng năm dưới 21 triệu đồng) chỉ chiếm 0,41%. Thu nhập của nông dân tăng từ 29,4 triệu đồng/năm/người (năm 2008) lên 90 triệu đồng/năm/người. Tương ứng với đó, nhờ áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, điều kiện sản xuất tốt hơn cũng đã giúp năng suất tăng từ 158 triệu đồng/ha đất nông nghiệp đến nay đạt hơn 500 triệu đồng/ha, cao nhất cả nước. Tại năm huyện ngoại thành, trong tổng số 56 xã của thành phố thì có đến 47 xã đã đạt tất cả 19 tiêu chí, chiếm 84%. So với mặt bằng chung của cả nước, đây là một thống kê rất lạc quan về sự phát triển của người dân các huyện ngoại thành. Nhờ những kết quả đáng mừng đó, thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức thu nhập, đời sống của người nông dân. TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt cho nên chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố là hướng đến việc xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tuy đạt được những kết quả ấn tượng nhưng so sánh chung với năng suất lao động của thành phố, năng suất và thu nhập của người nông dân vẫn chỉ đạt một con số khiêm tốn (đạt một phần ba so với mặt bằng chung). Người nông dân vẫn chưa thể làm giàu bằng nghề nông. Số lượng hộ dân làm nông nghiệp ngày càng giảm, thu nhập từ nông nghiệp không còn là nguồn chính của người nông dân. Toàn thành phố chỉ có 1.370 hộ tham gia hợp tác xã, mới chiếm 7,7% số hộ sản xuất nông nghiệp.

Nền nông nghiệp đô thị của TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều điều kiện để phát triển nhanh và bền vững như lực lượng lao động phong phú, trình độ, khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là rất lớn. Để nông dân có thể làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình, thành phố cần có những chính sách phù hợp thực tiễn địa bàn.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố cần có nhiều chương trình, hoạt động để đồng hành cùng nông dân như: thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân rộng. Thành phố hiện cũng có đội ngũ tri thức khoa học rất phong phú. Đây là lực lượng sẽ đồng hành cùng người nông dân trong công tác ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ngoài ra, thành phố cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó, chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện để nông dân yên tâm sản xuất. Đối với các khu vực có lợi thế về du lịch, các cơ quan chức năng cần có những chương trình trọng tâm hướng dẫn người dân trong việc phát triển nông nghiệp kết hợp mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với các khu du lịch, tuyến điểm dừng chân.