Cần tạo nét riêng cho từng sân khấu kịch

Cùng với nhiều lĩnh vực khác, các sân khấu kịch ở TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu “sống lại” sau thời gian dài tắt đèn do đại dịch Covid-19. Ngay khi được phép hoạt động trở lại, nhiều sân khấu xã hội hóa trên địa bàn thành phố tung ra hàng loạt vở mới cùng với nhiều hình thức khuyến mãi để thu hút khán giả.

Sân khấu kịch Idecaf có lẽ là đơn vị nhập cuộc mạnh mẽ nhất sau khi thành phố bước vào thời kỳ “bình thường mới”. Các xuất diễn đầu tiên với ba vở mới đều kín chỗ. Cũng trong tình trạng “cháy vé”, hai điểm diễn của sân khấu kịch Hồng Vân thu hút đông khán giả đến xem trong ngày đầu sáng đèn sau dịch Covid-19. Trong khi đó, sân khấu Thế giới trẻ, Hoàng Thái Thanh cũng có lượng người xem luôn chiếm hơn 2/3 rạp.

Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các sân khấu kịch đều có sự chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng trở lại. Bên cạnh những vở mới được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, diễn xuất, các vở cũ cũng được những “ông bầu, bà bầu” trau chuốt lại để phù hợp với khán giả hôm nay. Các sân khấu kịch tung ra nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khán giả.

Sân khấu Idecaf giảm 50 nghìn đồng mỗi vé; sân khấu kịch Hồng Vân áp dụng chương trình “mua bốn vé tính tiền ba vé”. Trong khi đó, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ tạo sức hút cho khán giả bằng chương trình khuyến mãi giảm 10% cho người mua một vé , 15% cho người mua năm vé và đến 30% cho khán giả mua 10 vé. Riêng với khán giả là giáo viên, học sinh, sinh viên, sân khấu này còn giảm tới 50% giá vé. Chính sự chủ động quảng bá, tiếp cận khán giả trong điều kiện “sống chung với dịch” đã giúp cho không khí sân khấu trên địa bàn thành phố sôi động hơn…

Sự hồi sinh bước đầu đó là tín hiệu lạc quan cho sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để duy trì và kéo dài quá trình luôn sáng đèn rực rỡ, đòi hỏi các đơn vị cần sự đầu tư lâu dài, có chiều sâu, tạo nên nét riêng. Khuyến mãi chỉ là tạm thời, điều cốt lõi là các nhà quản lý sân khấu xã hội hóa phải nâng cao chất lượng của từng vở diễn, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm thật sự có giá trị nghệ thuật, mang hơi thở đời sống hôm nay.

Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự tiếp sức cho các sân khấu về đầu tư kịch bản, cơ sở vật chất để các đơn vị này không thấy mình đơn độc, đồng thời tạo thêm động lực cho đội ngũ làm sân khấu tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, gắn bó với nghề trong điều kiện khó khăn như hiện nay.