Cần rõ ràng hơn trong việc tách thửa đất

Thời gian gần đây, không ít người dân đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xin tách thửa đất, nhất là ở các quận, huyện vùng ven. Nhiều trường hợp bị từ chối vì đường đi cho thửa đất… chỉ là đường đất xảy ra phổ biến ở khu vực ngoại thành. Khúc mắc ở đây là giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước chưa gặp nhau ở khái niệm đường đi.

Bên cạnh đó, người dân cũng rơi vào cảnh bế tắc với vấn đề xác định đất thuộc loại quy hoạch gì. Nhiều trường hợp thực tế cho thấy, đất ở và nhà của người dân đã nằm trong khu dân cư đang sinh sống đông đúc, hằng năm người dân đều nộp thuế sử dụng đất ở đầy đủ, nhưng khi xin tách thửa đất thì lại không được giải quyết. Với những trường hợp này, lý do cơ quan quản lý chức năng đưa ra “đất ở không thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu”, mà do đất bị xem là “đất ở hiện hữu cải tạo” hoặc “khu dân cư xây dựng mới”.

Thực tế cho thấy, rất nhiều người dân có nhu cầu tách thửa đất để làm nhà, hoặc chia tài sản cho người thân. Ðể đáp ứng nhu cầu chính đáng nói trên, ngày 5-12-2017, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 60/2017/QÐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 60) quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 (thay thế quy định tương tự trước đây là Quyết định số 33/2014/QÐ-UBND ngày 15-10-2014). Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện Quyết định 60, có nhiều người dân đã không thể thực hiện quyền lợi hợp pháp nói trên của mình. Theo người dân, trong quá trình triển khai thực hiện, hướng dẫn thực hiện Quyết định 60 của một số cơ quan chức năng liên quan có dấu hiệu máy móc, giống như yêu cầu phải ra “giấy phép con”, gây khó dễ cho người dân. Ðối với đất ở (nhu cầu tách thửa rất cao), căn cứ đầu tiên để cho phép tách thửa là khu đất phải thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng) hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang. Tuy nhiên, có khá nhiều khu đất ở vẫn bị xem là “đất ở hiện hữu cải tạo” hoặc “khu dân cư xây dựng mới” cho nên không cho phép tách thửa. Không những vậy, có người dân còn bị yêu cầu phải có quy hoạch 1/500 cho khu đất muốn tách thửa. Ðây được cho là đòi hỏi “làm khó” vì người dân tách thửa để xây dựng thêm nhà ở cho gia đình thì đâu cần phải có quy hoạch 1/500 như các dự án bất động sản. Cũng có nơi còn buộc người dân phải đầu tư hoàn chỉnh đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực sau đó mới được tách thửa. Ðây cũng là một yêu cầu thiếu khả thi đối với các hộ gia đình chỉ muốn tách thửa để xây dựng một ngôi nhà ở đơn giản.

Nhu cầu tách thửa để chia cho người thân hoặc sang nhượng để giải quyết tình cảnh khó khăn của gia đình là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và hợp pháp của người dân. Vì vậy, các cơ quan quản lý chuyên môn cũng như cán bộ nên giải quyết trên cơ sở quy định hiện hành và hiện trạng thực tế; những hướng dẫn cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn. Bài học cũ nhưng luôn luôn mới trong công tác quản lý nhà nước là: Ðừng vì không quản lý được, vì sợ trách nhiệm sau này mà hạn chế hoặc ngăn cản người dân thực hiện nhu cầu và quyền lợi chính đáng của mình.