Cần phát huy hiệu quả của cầu vượt

Trong nỗ lực giải quyết ùn tắc giao thông, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt qua các nút giao thông với tổng số tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy đã góp phần giảm ùn tắc nhưng thực tế, chức năng làm thông xe nhanh của một số cầu vượt vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng và số tiền đã đầu tư.

Cuối năm 2012, cầu vượt Ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh chính thức thông xe. Đây là cây cầu vượt dầm thép đầu tiên trong khu vực nội thành được đưa vào sử dụng với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại nút giao thông cửa ngõ ra vào thành phố. Cầu có chiều dài gần 400 m, rộng 16 m, bốn làn xe ô-tô chạy hai chiều theo hướng đường Điện Biên Phủ - Cầu Sài Gòn và ngược lại.

Đầu quý II-2103, sau hơn ba tháng khẩn trương thi công, cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Cầu dài gần 250 m, rộng 6 m, hai làn xe, trong đó có một làn xe hỗn hợp, lưu thông một chiều theo hướng đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ. Tiếp đó, một loạt cầu vượt khác ở vòng xoay Cây Gõ, quận 6; giao lộ đường 3-2 - Nguyễn Tri Phương; giao lộ đường Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám... được khởi công, xây dựng và đưa vào sử dụng. Đến tháng 7-2017, thêm cầu vượt đường Trường Sơn - Sân bay Tân Sơn Nhất; cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn cũng thi công vượt tiến độ, đưa vào sử dụng, trong đó, cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn có một nhánh được thông xe.

Sau khi hoàn thành, nhiều cầu vượt đã phát huy tác dụng. Tại các khu vực như nút giao đường Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; nút giao đường 3-2 - Nguyễn Tri Phương; vòng xoay Ngã sáu Gò Vấp..., tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, không ít cầu vượt chưa phát huy tác dụng hoặc tác dụng không nhiều. Quan sát thực trạng giao thông tại nút giao Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, thì bên dưới vòng xoay hàng trăm phương tiện ùn ứ, chờ nhau đi thẳng hoặc rẽ ra các hướng, trong khi trên cầu vượt xe cộ lưu thông thưa thớt.

Tại cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn; cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả, cầu vượt Trường Sơn - Sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng ùn ứ phương tiện dưới cầu thường xuyên xảy ra. Ở vòng xoay Hàng Xanh, dù là khu vực có nhiều tuyến xe buýt đi qua, được phép lưu thông nhưng hầu như các xe buýt đều đi thẳng, hoặc rẽ trái, rẽ phải dưới gầm cầu để ra vào các điểm dừng đón, trả khách.

Tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, các trục đường Nguyễn Oanh - Hoàng Minh Giám; đường Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng; đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn là những hướng có rất nhiều phương tiện lưu thông lẽ ra phải được ưu tiên thi công trước nhưng đơn vị thi công lại ưu tiên xây trước nhánh cầu theo trục đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, có ít phương tiện qua lại hơn. Do vậy, dù nhánh cầu này đã hoàn thành, nhưng hiệu quả thông xe trong vòng xoay hầu như không đáng kể.

Hầu hết các nút giao thông tại TP Hồ Chí Minh là nút giao đồng mức; phân luồng giao thông chủ yếu bằng đèn tín hiệu và người điều khiển giao thông. Do vậy, việc xây dựng cầu vượt ở các ngã tư, ngã năm... là cần thiết nhằm tạo ra nút giao khác mức, nâng cao hiệu quả thông xe. Thực tế giao thông tại những khu vực có cầu vượt cho thấy, cầu vượt nào xây dựng theo trục đường có nhiều phương tiện lưu thông hơn; có làn hỗn hợp cho nhiều loại phương tiện, bao gồm cả xe hai bánh thì khả năng giải thoát phương tiện cao, ít ùn tắc. Mặt khác, tại các giao lộ, ngoài số phương tiện đi thẳng còn có rất nhiều phương tiện rẽ trái, rẽ phải, là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn ứ. Đây là những đặc điểm mà cơ quan chuyên môn cần lưu ý, tính toán khi thiết kế, xây dựng.

Cầu vượt chỉ là một trong các giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Để giao thông thật sự thông thoáng, cần có thêm các phương án khác như xây dựng các nút giao có đường vành khăn, nút giao khác mức nhiều tầng, nhiều nhánh, đồng thời nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.