Cân nhắc thu phí dịch vụ thoát nước

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, một bộ phận người dân bị thiếu việc làm, bị giảm, thậm chí mất thu nhập, việc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước đã gây sự chú ý của dư luận.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, lộ trình thu phí dịch vụ thoát nước sẽ tăng hằng năm như sau: năm 2020 thoát trên 1 m3 nước là 1.430 đồng (chưa gồm thuế GTGT); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và 4.237 đồng vào năm 2024. Dễ hiểu hơn, với hộ gia đình xả khoảng 100 m3 nước/tháng, tiền thoát nước sẽ tăng từ 1,2 triệu đồng (năm 2020) lên gần 1,8 triệu đồng (năm 2024). Ðối tượng phải nộp phí là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Việc thu phí được cho là nhằm tạo công bằng xã hội, tạo thêm nguồn thu phục vụ hoạt động quản lý, vận hành, duy tu và bảo trì hệ thống thoát nước.

Công bằng mà nói, chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước,… là đúng đắn, vừa giảm chi phí đầu tư cho ngân sách nhà nước vốn còn eo hẹp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, nếu áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước như đề xuất sẽ rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay. Bởi, thực tế không chỉ thu nhập của người dân đang bị giảm sút do tác động của đại dịch Covid-19 mà từ những năm 2016, người dân TP Hồ Chí Minh đã phải đóng khoản phí "bảo vệ môi trường đối với nước thải" tính bằng 10% giá nước sạch, theo Quyết định số 24/2016/QÐ-UBND (ngày 2-7-2016 của UBND thành phố Hồ Chí Minh). Chưa kể, trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành. Trong trường hợp các dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành thì người dân sinh sống trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải hai lần: Một lần, trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải; một lần, đóng "phí bảo vệ môi trường" thông qua trả tiền nước sạch…

Để giảm gánh nặng cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia kinh tế kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh cân nhắc, xem xét, chưa nên áp dụng "giá dịch vụ thoát nước" (gồm "phí bảo vệ môi trường đối với nước thải") trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019. Thay vì thu phí như đề xuất, lãnh đạo thành phố nên hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra, nghiệm thu đạt chuẩn để được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong các dự án này. Bên cạnh đó, nếu TP Hồ Chí Minh cần huy động vốn xã hội để thực hiện chương trình chống ngập thì cần lên kế hoạch cụ thể, thí dụ lập dự án chống ngập A, công khai thông tin, tổng kinh phí, đơn vị thực hiện, qua đó có thể phát hành trái phiếu đô thị để huy động vốn từ người dân. Khi nào kinh tế phát triển ổn định, thành phố có thể mua lại trái phiếu, trả vốn cho người dân. Ðây là cách huy động vốn mà nhiều nước phát triển áp dụng, vừa bảo đảm tính minh bạch, công bằng vừa không tạo gánh nặng cho người dân.