Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán với thời tiết mát mẻ, không khí se lạnh vào buổi sáng và từ chiều tối, TP Hồ Chí Minh và cả Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng nhất kể từ đầu năm 2021. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết nắng nóng tại TP Hồ Chí Minh kéo dài đến ngày 7-3, nhiệt độ cao nhất 36oC, độ ẩm 40-55%. Toàn thành phố có cường độ nắng khá mạnh, thời gian nắng tương đối kéo dài. Thời điểm nắng nhất trong ngày vào khoảng từ 11 giờ đến 17 giờ. Còn theo dự báo trên trang web weather.com, từ nay đến ngày 15-3, nhiệt độ tại TP Hồ Chí Minh luôn duy trì mức cao, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến ở mức 35-36oC.

Tuy đây chưa phải là đợt nóng nhất trong năm do chưa đến cao điểm mùa khô ở khu vực Nam Bộ, nhưng nó đã tác động không hề nhỏ đến đời sống người dân. Nhiều người đi trên đường phố vào trưa, chiều đều cảm nhận hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường gây cảm giác nóng bức, rát da, khó chịu trong người. Vào buổi tối, nhiều người chia sẻ, dù đã bật hết công suất các quạt trong nhà vẫn cảm thấy không khí nóng bức. Ngoài ra, người dân phải tăng lượng nước uống so với trước mới giải được cơn khát.

Ðiều đáng nói, mùa nắng nóng cũng là điều kiện phát sinh các bệnh do vi-rút, vi khuẩn gây ra. Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, nếu không được bổ sung nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải. Nắng nóng rất dễ làm tăng nguy cơ say nắng, sốc nhiệt đối với những người phải lao động, di chuyển nhiều ngoài trời… Trẻ nhỏ, người cao tuổi, người béo phì và những người rối loạn bài tiết mồ hôi cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sốc nhiệt sẽ để lại những biến chứng và hậu quả nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nấm gây ra các bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Ðáng chú ý, chỉ số tia cực tím (UV) tại TP Hồ Chí Minh nhiều ngày qua và dự báo trong những ngày tới đang ở mức 10, ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, có thể gây bỏng da trong 25 phút tiếp xúc. Nếu chỉ số UV từ mức 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Theo thống kê, đỉnh điểm nắng nóng năm nay cũng sẽ rơi vào tháng 4 và tháng 5. Thời gian tới, tại TP Hồ Chí Minh còn có những đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao hơn. Ðể phòng tránh tác hại do nắng nóng kéo dài, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối mầu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt. Người dân nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da chung quanh. Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống bù đủ nước khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây. Người dân nên hạn chế ra ngoài vào buổi trưa, thời điểm bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.

Thiết nghĩ, để nâng cao mức độ cảnh giác của người dân về tác hại của nắng nóng, cần tăng cường công tác truyền thông về dự báo diễn biến thời tiết và đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cụ thể đến rộng rãi người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là người già và trẻ em.